Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cả nam và nữ đang là nạn nhân của các 'khuôn mẫu giới'

Dựa trên việc khám phá chiều sâu lịch sử của vấn đề vai trò giới ở Việt Nam và làm lộ ra những tiếng nói 'thì thào' trên các không gian mạng xã hội ẩn danh, nghiên cứu của ECUE, với sự hỗ trợ của Investing in Women, một sáng kiến của chính phủ Úc, Khuôn mẫu giới và vấn đề việc làm: Một nghiên cứu về giới trẻ Việt Nam đương đại qua các thảo luận trên báo chí và mạng xã hội (do nhóm tác giả Phạm Quỳnh Phương, Lê Quang Bình và Nguyễn Minh Huyền tiến hành và hoàn thành tháng 1-2021) đã chỉ ra nguyên nhân không phải từ giới nam hay giới nữ, mà gốc rễ của bất bình đẳng là sự trói buộc của các khuôn mẫu giới trong xã hội Việt Nam truyền thống và đương đại.

Bình đẳng giới là một trong những chủ đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất trong đời sống xã hội nhiều thập kỷ qua, nhưng những nỗ lực đấu tranh vì bình đẳng giới vẫn gặp nhiều thách thức. Một mặt, các nghiên cứu và nỗ lực giải quyết vấn đề bình đẳng giới chủ yếu được nhìn từ lát cắt đồng đại mà thiếu cái nhìn có tính lịch sử, mặt khác vấn đề bình đẳng giới được nhìn chủ yếu từ mỗi giới (chủ yếu từ góc độ của phụ nữ) mà thiếu việc hiểu biết quan điểm thực sự của nam giới trong xã hội đương đại, cũng như nguyên nhân thực sự phía sau của bất bình đẳng.

Theo các nhà nghiên cứu, đặc tính giới và đi kèm với đó là vai trò giới được xem như là “tiền định”, “thiên chức”, “tạo hóa”, là “số phận” mà mỗi người đều có. Là phụ nữ, với những đặc tính sinh học nhất định sẽ phù hợp sẽ với vị trí chăm sóc và giúp đỡ, nam thông minh, lý trí, quyết đoán nên phù hợp vai trò trụ cột và định hướng. Niềm tin có tính văn hóa này khiến cả đàn ông và phụ nữ đều chấp nhận những khuôn mẫu giới này một cách mặc định, không phản kháng và cố gắng để hoàn thành “thiên chức” cũng như trách nhiệm gắn với thiên chức đó của mình.

Các diễn giả tại tọa đàm

Các diễn giả tại tọa đàm

Các chia sẻ về giới trên diễn đàn mạng xã hội dù của đàn ông hay đàn bà, đều liên quan đến các mối quan hệ hôn nhân, hoặc kỳ vọng tiến tới hôn nhân, và trong các mối quan hệ nghĩa vụ cả với thế hệ trước (bố mẹ, tổ tiên) và cả thế hệ sau (con cái). Khuôn mẫu vai trò giới ở Việt Nam, vì vậy là những khuôn mẫu được đảm bảo để duy trì đời sống gia đình (nam là trụ cột gia đình, nữ chăm sóc và nội trợ).

Từ trong gia đình, khuôn mẫu giới được khúc xạ ra ngoài xã hội, chi phối thế ứng xử của cả nam và nữ trong mọi khía cạnh, đồng thời tạo nên định kiến về sự “phù hợp” của đàn ông hay đàn bà trong nghề nghiệp và thăng tiến. Sự thành công của đàn ông được đo lường bằng sự thăng tiến và thu nhập, còn sự thành công của phụ nữ là con cái khỏe mạnh và chồng thành đạt. Nam chọn công việc dù không phù hợp nhưng có lương cao để gánh vác vai trò trụ cột, nữ chọn công việc có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình. Những đặc tính giới này trong công việc được nhập tâm bởi cả các nhà tuyển dụng và của cả những người đi xin việc, khiến cho cơ hội việc làm của cả nam và nữ bị giới hạn

Nền kinh tế thị trường cạnh tranh đi cùng với những giá trị mới. Vì sự nghiệp và thành đạt được quy chiếu bởi tài sản và tiền tệ, nên vai trò làm trụ cột gia đình trở nên nặng nề nhất đối với người đàn ông từ trước đến nay. Sự suy giảm hỗ trợ cộng đồng cũng làm vai trò chăm sóc con cái của người phụ nữ nặng nề hơn. Bên cạnh đó, những giá trị mới và đòi hỏi về sự thành đạt, hoài bão, sự nghiệp trở thành áp lực nặng nề hơn cho cả hai giới trong sự xung đột giữa giá trị cá nhân và nỗ lực hoàn thành hoàn thành vai trò giới.

Khuôn mẫu giới khiến các định kiến giới được xem là “tự nhiên” và sự phân công lao động gắn với định kiến giới được xem là “hợp lý”. Mặc dù đã xuất hiện xu hướng gỡ bỏ các khuôn mẫu trong giới trẻ, nhưng phần đông cả hai giới đều nhập tâm trách nhiệm của mình nên khi người đàn ông và đàn bà không đáp ứng được vai trò truyền thống được trông đợi (phụ nữ hoặc không hoàn thành trách nhiệm chăm sóc gia đình hoặc quá thành đạt ngoài xã hội, đàn ông hoặc không kiếm được nhiều tiền để làm trụ cột kinh tế hoặc quá tham gia vào các công việc nhà) thì đều bị dằn vặt, hoặc phải trả giá (ly hôn), hay bị các “trừng phạt xã hội” (châm biếm, mỉa mai…).

Khuôn mẫu giới đề cao vai trò trụ cột của đàn ông đã khiến người đàn ông phải gồng mình để mang chiếc mặt nạ nam tính ngoài xã hội, nhưng ở không gian mạng xã hội ẩn danh, những áp lực chất chứa của người đàn ông được thể hiện cực đoan một cách bất ngờ. Thái độ phản đối bình đẳng giới của nam giới, coi đó là sự bất công với đàn ông, phản ánh nhiều vấn đề của áp lực xã hội hiện nay đối với đàn ông vẫn còn chưa được khám phá. Việc “tháo khuôn”, cởi bỏ những khuôn mẫu giới đang đè nặng lên thực hành làm đàn ông và làm đàn bà là cần thiết, vì một xã hội Việt Nam bình đẳng.

Cũng tại nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các vận động xã hội và chính sách phải nhắm đến thủ phạm của bất bình đẳng giới là khuôn mẫu giới chứ không phải do giới này hay giới kia gây ra. Sự lựa chọn nghề nghiệp của nam và nữ hiện nay không hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và khát vọng cá nhân mà còn bị chi phối bởi các rào cản có tính cấu trúc bị ảnh hưởng bởi khuôn mẫu giới (chính sách vĩ mô, nhận thức của xã hội và của nhà tuyển dụng, và những ràng buộc có ý nghĩa văn hóa khác). Nếu các thảo luận xã hội, thậm chí các giải pháp chỉ tập trung vào phụ nữ có thể dẫn đến việc ngầm định nam giới là thủ phạm hoặc nam giới bị bỏ rơi trong tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới.

Chính vì vậy, các chiến dịch vận động xã hội và chính sách nên tập trung chỉ ra cả nam và nữ đang là nạn nhân của các khuôn mẫu giới. Khi có “đích ngắm” chung (là khuôn mẫu giới) thì việc có cả nam giới và phụ nữ tham gia giải quyết vấn đề chung sẽ khả thi và hiệu quả hơn.

Các thảo luận trên mạng xã hội về bình đẳng giới đang tập trung vào việc phân công công việc (ai làm gì, làm nhiều hay ít, việc nặng hay nhẹ, việc quan trọng hay không quan trọng, việc phù hợp hay không phù hợp). Sự so sánh này rất khó đồng thuận vì nó phụ thuộc vào bối cảnh của từng gia đình và cảm nhận của từng cá nhân nên dẫn đến những căng thẳng và bế tắc khi tìm giải pháp.

Chính vì vậy, thúc đẩy bình đẳng giới không nên là khuyến khích phụ nữ phấn đấu theo những tiêu chuẩn thành công của nam giới, cũng như bình đẳng giới trong lao động và nghề nghiệp không nhất thiết khuyến khích phụ nữ làm những công việc như nam giới, vì điều đó sẽ chỉ làm tăng lên gánh nặng cho phụ nữ trong bối cảnh những nền tảng có tính cấu trúc của xã hội chưa dễ thay đổi.

Bình đẳng giới là vấn đề có tính quan hệ và cấu trúc vì vậy các can thiệp cần dựa trên những hiểu biết sâu sắc quan điểm của cả hai giới, đồng thời có những cân nhắc đánh giá được các “trừng phạt xã hội - social punishments” của việc phá bỏ khuôn mẫu giới đối với các cá nhân (nằm trong mối quan hệ).

Nghiên cứu cho thấy các tính toán liên quan đến lựa chọn công việc hoặc cơ hội thăng tiến bị ảnh hưởng nhiều bởi khuôn mẫu giới áp xuống gia đình. Các trừng phạt xã hội cho những trường hợp vượt thoát ra khỏi các khuôn mẫu giới cũng xuất phát từ gia đình rất nhiều.

Các can thiệp thúc đẩy tự do lựa chọn nghề nghiệp hay thăng tiến không thể bỏ qua các can thiệp ở cấp độ gia đình. Cụ thể, các chiến dịch vận động nên thúc đẩy các cá nhân coi trọng chất lượng của các mối quan hệ trong gia đình dựa trên sự thấu hiểu, tôn trọng, tự do lựa chọn hơn là tuân thủ các khuôn mẫu giới.

Điều này giúp các thành viên trong gia đình khi ủng hộ hay ngăn cản một quyết định học tập, lựa chọn công việc, phấn đấu thăng tiến của vợ hoặc chồng, con trai hoặc con gái sẽ dựa trên các giá trị tự do, bình đẳng hơn là sự tuân thủ khuôn mẫu giới áp lên họ.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-nghien-cuu-chi-ra-rang-ca-nam-va-nu-dang-la-nan-nhan-cua-cac-khuon-mau-gioi-230282.html