Nhiều ngành học mới, thí sinh có dễ lựa chọn trong năm 2021?

Liên tiếp những năm gần đây, các ngành học mới được các trường ĐH mở ra, với lời giới thiệu rằng ngành mới sẽ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và liên quan đến cuộc các mạng công nghiệp 4.0. Nhiều ngành mới có giúp thí sinh dễ lựa chọn ngành nghề cho bản thân?

Những ngành mới nào được ưa chuộng?

Trong số các ngành mới hai năm gần đây, có nhiều ngành học liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như giải quyết các vấn đề nóng của xã hội như: Khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử và tin học; Khoa học và công nghệ thực phẩm, công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường, Marketing… Thậm chí, năm 2021, các trường ngoài công lập cũng mở ngành đào tạo Y khoa, Báo chí và Luật.

Năm 2021, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM công bố phương án tuyển sinh. Theo đó, điểm mới trong phương án này là có thêm 2 ngành chương trình chất lượng cao, gồm Thương mại điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Hội đồng trường này đã thông qua chủ trương, trường đang làm thủ tục mở thêm 2 ngành Luật, Truyền thông. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết những ngành trong lĩnh vực tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, CNTT… đang rất hút do nhu cầu nhân lực cao.

Còn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dự kiến tuyển sinh thêm một số chuyên ngành mới như: Robot và Hệ thống điều khiển thông minh, Quản lý Đô thị thông minh và bền vững, Kỹ thuật Hóa phân tích...

Trường ĐH Công nghệ TP HCM cũng dự kiến bổ sung nhiều ngành mới tập trung vào nhóm công nghệ thông tin, quản trị nhân lực.

Trường ĐH Gia Định dự kiến mở thêm 5 ngành học mới, qua đó tạo cơ hội lựa chọn ngành học yêu thích nhiều hơn cho thí sinh. 5 ngành học mới gồm: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng (Truyền thông kỹ thuật số).

Trường ĐH Văn Lang năm nay dự kiến mở thêm hai ngành là Y đa khoa, Y học cổ truyền. Cùng với các ngành hiện đã có là Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học, tổng cộng trường đào tạo 6 ngành thuộc khối sức khỏe trong tổng số 50 ngành đào tạo của nhà trường.

Đại học Kinh tế-tài chính TP.HCM cũng dự kiến mở tuyển sinh 5 ngành học mới gồm Bất động sản, Tài chính quốc tế, Báo chí, Tâm lý học, Thiết kế đồ họa. Theo thạc sỹ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh của trường, việc mở thêm ngành mới nhằm mang đến cơ hội lựa chọn đa dạng ngành học cho thí sinh đồng thời đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội trong bối cảnh nền kinh tế đang có những chuyển biến mạnh mẽ.

 Nhiều trường mở ngành học mới nhưng thí sinh không dễ chọn (Ảnh: Khánh Huy)

Nhiều trường mở ngành học mới nhưng thí sinh không dễ chọn (Ảnh: Khánh Huy)

Thí sinh có dễ chọn ngành?

Nhiều ngành học mới, thí sinh có dễ chọn ngành hơn hay không? Câu trả lời là không.

Hiện chúng ta có 367 ngành nghề ở hệ ĐH, CĐ là 575 ngành, trung cấp là 822 ngành. Như vậy là quá nhiều ngành nghề cho thí sinh lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thí sinh cũng đừng ngộ nhận ngành mới, tên ngành “sang” thì mới tìm được việc làm. Và có những ngành chưa hẳn đã hoàn toàn mới như lời giới thiệu. Ngay cả những ngành học mới mở là xu thế của xã hội hiện nay mà các trường cập nhật nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sau 4, 5 năm nữa, ngành đó vẫn là ngành nghề “hot”.

PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục cho biết có một thực trạng trong chọn nghề, chọn trường hiện tại là nhiều bạn đang lựa chọn ngành nghề theo dư luận, đó là những ngành “hot” và gắn với cuộc cách mạng 4.0.

Vì thế, một số cơ sở giáo dục đại học có xu hướng mở ngành mới với tên gọi hấp dẫn nhằm thu hút sinh viên. Đó là những ngành thường được nhắc lại nhiều lần trên truyền thông, chẳng hạn như những ngành gắn với công nghiệp 4.0, IT, thế giới ảo, trí tuệ thông minh, big data... Nhưng thí sinh cũng phải cân nhắc, những ngành nghề đó có đúng năng lực sở trường, sở thích của bản thân hay không?

Tuy vừa là cơ hội nhưng những ngành nghề mới theo xu hướng 4.0 cũng sẽ là thách thức, thậm chí có nguy cơ cực lớn nếu như chỉ chọn nghề dựa theo dư luận, xu thế mà không tính toán một cách hợp lý. Và chưa kể là đang thu hút nên sẽ đông thí sinh lựa chọn, dẫn đến điểm chuẩn các ngành này tăng cao bất thường.

Chọn ngành, chưa bao giờ là dễ dàng với thí sinh 18 tuổi, vì kiến thức về nghề, ngành chưa thực sự rõ ràng, họ đôi khi bị định hướng bởi truyền thông nhiều hơn là những tính toán kỹ về dự báo nguồn nhân lực trong 5 năm tới. Chính vì thế, rất nhiều ngành luôn có nhu cầu việc làm như: Lâm nghiệp, địa chất, khí tượng, kỹ thuật xây dựng lại… khó tuyển.

Vì vậy, khi mở ngành học mới, trách nhiệm của các trường là cần công khai thông tin và chương trình đào tạo, khi tư vấn tuyển sinh phải làm rõ những như cầu nghề nghiệp của ngành học mới cho thí sinh, thay vì chỉ gắn vào những cái tên “hot” để kéo được người học càng nhiều càng tốt.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-nganh-hoc-moi-thi-sinh-co-de-lua-chon-trong-nam-2021-223552.html