Nhiều ngân hàng tiết lộ lãi đậm

Quý II/2018 vừa kết thúc, chưa có ngân hàng nào công bố báo cáo tài chính, song nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng toàn ngành, nợ xấu giảm có thể thấy được bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ tiếp nối đà khởi sắc trong quý I.

Hầu hết các TCTD đánh giá môi trường kinh doanh và kết quả kinh doanh của đơn vị mình tăng tốc trong quý II/2018. Nguồn: Internet

Một số ngân hàng đã lên tiếng tiết lộ thông tin về bức tranh lợi nhuận khả quan, "lãi đậm" trong 6 tháng đầu năm và đạt được kết quả kinh doanh lớn hơn kỳ vọng, đạt trên 50% kế hoạch cả năm.

Nhìn chung trong quý II, môi trường kinh doanh của toàn ngành ngân hàng tiếp tục duy trì đà ổn định, hỗ trợ tích cực cho kết quả kinh doanh của các ngân hàng.

Lợi nhuận tăng mạnh

Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2018, Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến thời điểm 20/6/2018, tổng phương tiện thanh toán toàn ngành ngân hàng tăng 7,96% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm trước tăng 5,69%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,78% (cùng kỳ năm 2017 tăng 5,89%).

Mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với ngắn hạn (khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, mức tín nhiệm cao, lãi suất cho vay từ 4%-5%/ năm); 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Tỷ lệ nợ xấu, theo báo cáo, đã giảm xuống còn khoảng 2,3% (cuối năm 2017 là 2,5%).

Trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu, chủ yếu bằng sử dụng dự phòng rủi ro.

Cụ thể là hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 20 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý bằng dự phòng rủi ro chiếm 62,9%; Khách hàng trả nợ chiếm 28,8%; Bán cho VAMC 4,3%; Phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chỉ chiếm 1,9%; Còn lại là xử lý nợ xấu bằng các hình thức khác.

Như vậy, kỳ vọng về sự tăng tốc để thu về con số lợi nhuận "khủng" của các ngân hàng có đạt được?

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết kỳ vọng này là hoàn toàn khả thi. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietcombank, cho biết lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay dự kiến sẽ đạt hơn 50% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm.

Ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2018 ở mức 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc quý I/2018, lợi nhuận trước thuế đã đạt 4.359 tỷ đồng.

Vì vậy, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, hội đồng quản trị đã trình cổ đông thông qua kế hoạch nâng mức lợi nhuận cả năm lên 13.000 tỷ đồng. Dù vậy, theo dự báo của các nhà phân tích, công ty chứng khoán, nhiều khả năng Vietcombank sẽ đạt lợi nhuận 14.000 tỷ đồng trước thuế trong năm nay.

Có thể nói, trong quý I, hầu hết các ngân hàng đều đạt con số lợi nhuận tăng trưởng lớn hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, khi quý II còn chưa kết thúc, một số lãnh đạo ngân hàng dù không công bố chính thức con số lợi nhuận, nhưng cũng hé lộ thông tin lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ tín dụng tăng, nguồn thu từ dịch vụ, dự phòng giảm…

Nhiều gam màu sáng

Theo các chuyên gia, kết quả này không nằm ngoài dự đoán khi hoạt động ngành tăng trưởng trở lại, lợi nhuận có nhiều gam sáng nhờ tín dụng tích cực, quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn, xử lý nợ xấu hanh thông kể từ khi Nghị quyết số 42 ra đời.

"Hoàn toàn có cơ sở để tin rằng kết quả kinh doanh quý II của ngân hàng sẽ có sự chuyển biến. Tuy nhiên, mức độ tùy thuộc vào từng ngân hàng, thậm chí một số ngân hàng có kết quả kinh doanh khả quan, nhưng do phải trích lập thêm dự phòng nợ xấu theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên có thể con số lợi nhuận sẽ giảm. Nhìn chung, đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I sẽ tiếp tục được duy trì sang quý II", một chuyên gia nhận định.

Thực tế, thị giá cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm đến nay luôn có sự tăng tốc và lấy lại được "ngôi vua", bởi nhà đầu tư nhìn thấy sự khởi sắc của hoạt động ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng vững chắc.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, năm 2018, cổ phiếu ngân hàng sẽ là một trong nhóm cổ phiếu chủ lực. Đó là nhờ hoạt động của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hiệu quả, kéo theo diễn biến tích cực về mặt doanh thu.

Đồng thời, năm nay đã và sẽ chứng kiến làn sóng niêm yết của một loạt ngân hàng thương mại cổ phần như: Techcombank, OCB, HDBank, TPBank, MaritimeBank, SeABank, ABBank… Chắc chắn cổ phiếu của những ngân hàng này sẽ là mối quan tâm của các nhà đầu tư.

Trước đó, khi bức tranh lợi nhuận quý I/2018 gần kết thúc, NHNN đã có cuộc khảo sát điều tra xu hướng kinh doanh của các ngân hàng trong quý II và những tháng còn lại của năm 2018, nhận được những kỳ vọng "tươi sáng" cho toàn ngành ngân hàng.

Hầu hết các TCTD đánh giá môi trường kinh doanh và kết quả kinh doanh của đơn vị mình tăng tốc trong quý II/2018, mức độ lành mạnh của các nhóm khách hàng được đánh giá tích cực, cầu về sử dụng dịch vụ tài chính, ngân hàng gia tăng, đặc biệt là nhu cầu vay vốn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng duy trì ở trạng thái tốt, mặt bằng lãi suất ổn định, huy động vốn và tín dụng được kỳ vọng tăng nhanh hơn trong quý II/2018.

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/nhieu-ngan-hang-tiet-lo-lai-dam-144639.html