Nhiều ngân hàng nâng room ngoại

Các ngân hàng đang có động thái điều chỉnh tăng hạn mức sở hữu vốn (room) dành cho nhà đầu tư nước ngoài, nhằm thu hút nguồn đầu tư, nâng cao năng lực tài chính.

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Trung tâm Lưu kí Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã thực hiện điều chỉnh tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài của cổ phiếu MBB từ 22,9908% lên 23,0224% từ ngày 9/11.

Việc điều chỉnh được thực hiện sau khi MB đã phát hành gần 362 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tương đương tỷ lệ 15%), tăng vốn điều lệ lên mức gần 27.988 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ đông ngoại, hai quĩ thành viên thuộc Dragon Capital là cổ đông lớn nhất của MB, gồm Norges Bank và Amersham Industries Ltd với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 1,68% và 1,44% tính đến ngày 25/6.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có kế hoạch chia 25,6 triệu cổ phiếu quĩ cho cổ đông hiện hữu trong thời gian từ quí IV/2020 đến hết quý I/2021.

Kết phiên giao dịch hôm nay (12/11), giá cổ phiếu MB tăng 2,5% dừng ở mức 18.700 đồng/cổ phiếu.

Trước đó không lâu, Techcombank khóa room ngoại ở mức 22,5%. Cụ thể, Hội đồng quản trị (HĐQT) Techcombank (TCB - sàn HOSE) thông qua nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 22,4951% lên mức 22,5076% vốn điều lệ.

Lienvietpost Bank cũng nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 5,5% hiện nay lên gần 10% cùng với việc niêm yết trên sàn HOSE.

Gần 977 triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank đã chính thức niêm yết trên sàn HOSE ngày 9/11 vừa qua, với giá tham chiếu phiên đầu tiên là 11.800 đồng/cổ phiếu và đến sáng ngày 13/11 ở mức 11.950 đồng/cổ phiếu.

VietCapital Bank (mã BVB - UPCoM) vừa chốt danh sách cổ đông để thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản thông qua một số nội dung quan trọng.

Theo đó, VietCapital Bank sẽ xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông ủy quyền HĐQT quyết định tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài theo quy định hiện hành (tỷ lệ tối đa là 30%); thông qua việc đưa chứng khoán chào bán ra công chúng do Ngân hàng phát hành giao dịch trên thị trường có tổ chức thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Trước đó không lâu, ngày 26/8/2020, VietCapital Bank đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông bất thường trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ, với tổng vốn điều lệ dự kiến tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2020 và quý I/2021.

Đồng thời, HĐQT Ngân hàng đã có nghị quyết thông qua phương án phát hành 2.000 - 2.500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (không chuyển đổi, không kèm chứng quyền) trong quý I/2021 và kế hoạch phát hành tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, nhằm tăng vốn cấp 2.

Nam A Bank cho biết, kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ nay đến cuối năm nằm trong phương án tăng vốn điều lệ lên gần 7.000 tỷ đồng thông qua 2 phương án phát hành 57 triệu cổ phần (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ 12,4878% và thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ 143 triệu cổ phần (1.430 tỷ đồng). Nam A Bank đang trong quá trình đàm phán với đối tác ngoại.

Ngày 9/10, Nam A Bank đã chính thức đưa hơn 389 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán NAB giao dịch trên UPCoM, giá chào sàn ngày đầu tiên ở mức 13.500 đồng/cổ phiếu, để nâng cao thanh khoản cổ phiếu. Sau đó, giá cổ phiếu NAB đã có sự tăng trưởng tích cực, hiện đạt 15.200 đồng/cổ phiếu và điều chỉnh nhẹ trong phiên sáng ngày 13/11 ở mức 14.300 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, HDBank mới công bố Nghị quyết 29 về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư ngoại từ mức 30% xuống còn 21,5%, nhằm để dành cho kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược trong thời gian tới.

VPBank cũng quyết định dành “room” cho khối ngoại khi quyết định giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 22,77% xuống còn 15% khi dòng vốn toàn cầu bị biến động bởi làn sóng Covid-19 lần đầu tiên khiến nhiều nhà đầu tư thoái vốn.

Room ngoại còn lại của VPBank dự kiến dùng để chào bán cho nhà đầu tư khác muốn đầu tư khi đại dịch được kiểm soát và thị trường ổn định hơn.

Giữa năm 2020, thị trường cũng ghi nhận thương vụ bán 15% cổ phần của Ngân hàng OCB cho đối tác Nhật là Ngân hàng Aozora, đưa mức vốn điều lệ hiện hữu tăng từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng.

Mới đây, công ty quản lý quỹ VinaCaptial đã đưa ra những góc nhìn về thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn. Theo VinaCaptial kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ có thể gây ra một vài biến động đối với thị trường chứng khoán thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, khi những tác động từ cuộc bầu cử này đã qua đi, thị trường chứng khoán có khả năng diễn biến tích cực do việc phục hồi kinh tế sau dịch bệnh và những chính sách nhất quán từ Tổng thống mới của Mỹ.

Nói về nhóm cổ phiếu ưa thích, công ty quản lí quĩ này cho rằng một số nhóm ngành đã cho thấy sự hồi phục như ngành liên quan đến tiêu dùng nội địa, vật liệu, bất động sản và công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, VinaCapital đưa ra dự báo rằng đà hồi phục sẽ tiếp diễn ở khối ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu vào đầu năm 2021.

Tài chính - ngân hàng vẫn được xem là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, room dành cho nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực này chỉ tối đa 30% được xem là rào cản để thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhieu-ngan-hang-nang-room-ngoai-d133138.html