Nhiều nét tương đồng, chung một quyết tâm

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân DânTrên nền tảng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với nhiều nét tương đồng, có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, các cuộc hội đàm, hội kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các nhà lãnh đạo Ê-ti-ô-pi-a đều diễn ra trong không khí thân thiện, cởi mở, cùng khẳng định một quyết tâm, đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới tích cực, hiệu quả.

Nằm ở độ cao khoảng 2.400m so với mực nước biển, thủ đô A-đi A-bê-ba của Ê-ti-ô-pi-a luôn có không khí trong lành và dễ chịu tương tự như Đà Lạt hoặc Sa Pa của Việt Nam. Những ngày này, khi nhiều nơi khác trong khu vực đang khá nóng bức, thì ở A-đi A-bê-ba thời tiết vẫn mát mẻ, thậm chí lạnh về đêm. A-đi A-bê-ba không chỉ là thủ đô của Ê-ti-ô-pi-a, mà còn được coi là thủ đô của châu Phi, tại đây đặt trụ sở của Liên minh châu Phi cùng nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Lễ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được tổ chức trọng thể tại sân bay quốc tế Bôn (Thủ đô A-đi A-bê-ba) với 21 loạt đại bác chào mừng cùng các nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia. Đích thân Tổng thống Ê-ti-ô-pi-a M.Tê-sô-mê và Phu nhân cùng nhiều quan chức cấp cao ra tận chân cầu thang máy bay, đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Các nghệ sĩ Ê-ti-ô-pi-a trong những bộ trang phục rực rỡ sắc mầu cùng nhảy múa điệu múa dân tộc hết sức sôi động chào mừng khách quý đến nhà.

Tuy xa cách về địa lý, nhưng Việt Nam và Ê-ti-ô-pi-a có nhiều điểm tương đồng, nhân dân hai nước đều cùng khát khao độc lập, tự do, cùng kiên cường đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do và hiện đều là quốc gia đang phát triển, có dân số đông gần 100 triệu người, với thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng lao động dồi dào và quyết tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Từ một quốc gia luôn phải chịu hậu quả nặng nề của thiên tai hạn hán kéo dài, tỷ lệ nghèo đói ở mức cao trong những năm 80 của thế kỷ trước, Ê-ti-ô-pi-a đã vươn mình trỗi dậy trở thành “Con hổ châu Phi” với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới ở mức trung bình hơn 10% một năm trong suốt hơn mười năm qua. Cùng với phát triển kinh tế, Ê-ti-ô-pi-a được cộng đồng quốc tế đánh giá cao vì những nỗ lực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thông qua việc đạt Mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Những bước phát triển ấn tượng trong thời gian qua đã đưa Ê-ti-ô-pi-a trở thành một trong những hình mẫu tại châu Phi về phát triển kinh tế. Ê-ti-ô-pi-a cũng là quốc gia có tiềm năng thủy điện lớn thứ hai ở châu Phi, với hơn 85% nguồn nước có từ các dòng của sông Nin, đất đai rất màu mỡ. Tuy nhiên, do thường bị thiên tai, hạn hán, mất mùa và nội chiến, Ê-ti-ô-pi-a chủ yếu vẫn là một nước nông nghiệp còn lạc hậu về kỹ thuật, luôn bị nạn đói đe dọa và có một nền công nghiệp tương đối chậm phát triển. Nông nghiệp hiện chiếm vị trí hàng đầu trong nền kinh tế Ê-ti-ô-pi-a với 85% lực lượng lao động làm nông nghiệp, 90% tổng thu xuất nhập khẩu từ nông nghiệp, và nông nghiệp chiếm 46% GDP. Vậy nhưng, cho đến nay, chỉ có hơn 10% trong tổng số 790.000 km2 đất nông nghiệp được khai thác.

Dọc đường di chuyển, chúng tôi đi qua nhiều vùng đất màu mỡ nhưng vẫn bỏ hoang. Cà-phê là một trong những cây trồng chính để xuất khẩu của người dân nơi đây. Ê-ti-ô-pi-a được coi là một trong những cái nôi ra đời của cây cà-phê. Trong buổi tiệc chiêu đãi Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu Việt Nam, Tổng thống Ê-ti-ô-pi-a M.Tê-sô-mê đã so sánh hết sức thú vị, bên cạnh rất nhiều điểm tương đồng, Ê-ti-ô-pi-a và Việt Nam cùng có nét chung về cây cà-phê. Ê-ti-ô-pi-a là đất mẹ của cây cà-phê, còn Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu cà-phê hàng đầu thế giới. Tổng thống M.Tê-sô-mê bày tỏ ấn tượng đặc biệt về việc Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước có tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định trong thời gian qua và là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản gạo, cà-phê… đồng thời mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực Việt Nam có kinh nghiệm và trình độ cao như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản… Trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với nhiều nét tương đồng và có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, các cuộc hội đàm, hội kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các nhà lãnh đạo Ê-ti-ô-pi-a đều diễn ra trong bầu không khí cởi mở, thân thiện. Tổng thống M.Tê-sô-mê cho biết, cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang rất thành công, hai bên đã trao đổi toàn diện về các mặt quan hệ hai nước, thảo luận và nhất trí cao về những phương hướng, biện pháp nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ chính trị, tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, viễn thông, hàng không, văn hóa, du lịch, trong đó coi hợp tác kinh tế là cơ sở thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương đi vào thực chất và chiều sâu. Tổng thống M.Tê-sô-mê cho rằng, chuyến thăm lần đầu của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đến Ê-ti-ô-pi-a sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ hợp tác hai nước phát triển sâu rộng trong thời gian tới. Ông cũng bày tỏ, nhân dân Ê-ti-ô-pi-a nói chung và cá nhân ông nói riêng luôn ngưỡng mộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như những thành tựu to lớn đạt được trong xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.

Tuy có nhiều tiềm năng và nét tương đồng, nhưng kim ngạch thương mại giữa hai nước hiện còn rất nhỏ. Năm 2017, kim ngạch song phương mới đạt 11,3 triệu USD, (năm 2016 đạt 8,5 triệu USD, năm 2015 đạt 14,4 triệu USD), trong đó Việt Nam xuất sang Ê-ti-ô-pi-a 2,2 triệu USD, chủ yếu là sản phẩm dệt may, da giày, sản phẩm hóa chất. Đầu tư giữa hai nước cũng chưa phát triển, hiện mới chỉ có tập đoàn Viettel của Việt Nam có kế hoạch mở rộng đầu tư và kinh doanh một số mặt hàng thiết bị viễn thông sang Ê-ti-ô-pi-a và đã lập Văn phòng đại diện tại A-đi A-bê-ba. Do vậy, lãnh đạo hai bên thống nhất và khẳng định quyết tâm nâng kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, với kinh nghiệm về sản xuất và xuất khẩu gạo dẫn đầu thế giới, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, hợp tác với Ê-ti-ô-pi-a. Hai bên cam kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường xúc tiến thương mại - đầu tư, tham dự hội chợ, chia sẻ thông tin cho nhau. Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Ê-ti-ô-pi-a A.A-mét, hai bên nhất trí sẽ cùng nhau nỗ lực khai thác tốt hơn các cơ hội hợp tác, tăng cường trao đổi thương mại mở rộng danh mục các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước với chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Thủ tướng A.A-mét nhấn mạnh, với 80% dân số Ê-ti-ô-pi-a sống bằng nghề nông, Ê-ti-ô-pi-a rất ưu tiên phát triển nông nghiệp. Ê-ti-ô-pi-a đánh giá cao kinh nghiệm và trình độ phát triển nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt về lúa gạo và cà-phê và mong muốn Việt Nam hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, coi đây là hướng hợp tác chính giữa hai nước trong thời gian tới.

Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ê-ti-ô-pi-a, một trong những quốc gia lâu đời nhất ở châu Phi đã thành công tốt đẹp, mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hợp tác giữa hai nước. Rời Thủ đô A-đi A-bê-ba tươi đẹp và mến khách, chúng tôi cứ nhớ mãi những cái bắt tay thật chặt và nụ cười niềm nở của những người bạn châu Phi, những người dù ở rất xa Việt Nam, nhưng luôn có thiện cảm và ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam.

Quốc Việt

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37415402-nhieu-net-tuong-dong-chung-mot-quyet-tam.html