Nhiều nét mới trong Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện A Lưới

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và di sản văn hóa các dân tộc thiểu số của địa phương.

Theo Ban tổ chức, Ngày hội các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ II - 2018 sẽ diễn ra từ ngày 28 đến 29/4/2018 tại thị trấn A Lưới và các xã Hồng Hạ, Hồng Kim với nhiều hoạt động mới mẻ và hấp dẫn.

Tại ngày hội sẽ có trình diễn tắm suối và tái hiện hoạt động sinh hoạt dưới nước của đồng bào Pa Cô (thác A Nôr, xã Hồng Kim). Tắm suối là nét văn hóa luôn gắn liền với cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy Trường Sơn nói chung và đồng bào dân tộc Pa Cô nói riêng. Tắm suối như một nét đẹp văn hóa hết sức thánh thiện, tẩy uế bụi trần, không suồng sã, vồ vập mà nhẹ nhàng, kín đáo, thẹn thùng giữa cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mĩ của đại ngàn Trường Sơn. Tắm suối, các trò chơi dân gian dưới nước và cách thức tắm, gội đầu truyền thống bằng các loại thảo dược thiên nhiên vẫn được giữ gìn, lưu truyền cho đến hôm nay.

Tắm suối là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Cô

Tái hiện tục đi Sim (Pộc Xu), tục Ra doc và Phiên chợ vùng cao của các dân tộc thiểu số (suối Pâr le, xã Hồng Hạ). Đi Sim là tập tục có từ lâu đời, là nơi hẹn hò của các chàng trai, cô gái đang độ tuổi xuân thì. Họ trao nhau những câu hát giao duyên đầy trữ tình, cả ánh mắt thiết tha nồng thắm với những cung bậc cảm xúc đầy yêu thương. Vì vậy từ bao đời nay, tục lệ đi Sim đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới. Dù cuộc sống có đổi thay nhưng nét văn hóa này vẫn mãi tồn tại giá trị truyền thống để bảo tồn, gìn giữ.

Hội chợ vùng cao sẽ giới thiệu các mặt hàng như rau rừng, măng, mật ong, hạt tiêu, cá suối khô...

Theo ông Hồ Viết Lương - Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, đây là lần đầu tiên phiên chợ vùng cao được tổ chức tại địa phương, là dịp để đồng bào giới thiệu các mặt hàng như rau rừng, măng rừng, mật ong, tiêu rừng, cá suối khô… do đồng bào sản xuất hay hái lượm để giới thiệu đến đông đảo người dân và du khách. Đồng thời, đây là cơ hội tìm đầu ra cho các nông sản, đặc sản tại địa phương tiếp cận với thị trường rộng hơn, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, tại trị trấn A Lưới sẽ có không gian trình diễn nghề dệt Dèng và trang phục truyền thống các dân tộc. Dệt Dèng là nghề truyền thống của dân tộc Tà Ôi có từ lâu đời và được trao truyền qua nhiều thế hệ. Nét độc đáo riêng biệt của kỹ thuật dệt Dèng chính là đưa trực tiếp các hạt cườm vào sản phẩm dệt để tạo nên các hoa văn truyền thống. Dệt Dèng là sự sáng tạo kết tinh vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, thể hiện ở sản phẩm với những họa tiết độc đáo, đặc trưng bởi những bàn tay tài hoa, khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi. Với tinh hoa và nét độc đáo riêng biệt, nghề dệt Dèng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dệt Dèng- sản phẩm của đồng bào dân tộc Tà Ôi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: Ngày hội là dịp để cộng đồng các tộc người Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy cùng các dân tộc anh em khác đang sinh sống trên đại ngàn dãy Trường Sơn hùng vỹ gắn bó bền chặt hơn. Thể hiện sắc màu văn hóa các dân tộc khác nhau với sự đa dạng, phong phú về bản sắc, phong tục, tập quán và được lưu giữ cho đến hôm nay.

Ngoài ra, trong khuôn khổ ngày hội còn tổ chức một số hoạt động như: Trình diễn và trưng bày các sản phẩm đan lát thủ công truyền thống; Trưng bày điêu khắc gỗ dân gian truyền thống; triển lãm, trưng bày, giới thiệu ảnh nghệ thuật về con người và tiềm năng du lịch A Lưới; tổ chức các hoạt động thể thao truyền thống; gian hàng trưng bày sản phẩm văn hóa, du lịch; liên hoan nghệ thuật quần chúng; liên hoan ẩm thực truyền thống…

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/nhieu-net-moi-trong-ngay-hoi-van-hoa-cac-dan-toc-huyen-a-luoi.html