Nhiều nạn nhân bị mua bán đã được trợ giúp pháp lý miễn phí

Trợ giúp pháp lý là một trong những chế độ hỗ trợ quan trọng đối với nạn nhân bị mua bán đã được quy định trong Luật Phòng, chống mua bán người.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành Luật, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hoặc quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người, trong đó có quy định về việc trợ giúp pháp lý.

Cụ thể, năm 2011, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 07/2011/TT-BTP hướng dẫn bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý. Thông tư này sau đó đã được thay thế bởi Thông tư số 11/2014/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý, trong đó có quy định về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán.

Theo đó, khi người được trợ giúp pháp lý là người mẹ, trẻ em gái, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục có yêu cầu được trợ giúp pháp lý thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý tiến hành các hoạt động nghiệp vụ để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đối tượng được trợ giúp pháp lý này.

Tiếp đó, thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch số 15/KH-BCĐ triển khai thực hiện Chương trình; Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 420/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tư pháp.

Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, trong đó bổ sung đối tượng “Nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người” thuộc diện được trợ giúp pháp lý để phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống mua bán người (có hiệu lực 2012).

Ảnh minh họa: Trợ giúp pháp lý giúp nạn nhân bị mua bán trở về biết quyền của mình

Ảnh minh họa: Trợ giúp pháp lý giúp nạn nhân bị mua bán trở về biết quyền của mình

Năm 2017, Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (thay thế Luật Trợ giúp pháp lý 2006), trong đó bổ sung quy định nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý. Các văn bản nói trên đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy, từ năm 2015 đến hết năm 2018, cả nước đã có gần 200 nạn nhân bị mua bán được trợ giúp pháp lý miễn phí. Trong số này có 50% vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tư vấn pháp luật, 40,9% vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, 8,5% vụ việc trợ giúp pháp lý theo hình thức khác.

Theo bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp: “Mặc dù số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán do các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện trong thời gian qua chưa phải là nhiều so với tổng số các vụ việc trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nạn nhân đã được trợ giúp kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc pháp luật khi trở về địa phương, đòi bồi thường thiệt hại cho nạn nhân hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”. Các vụ việc trợ giúp pháp lý được đánh giá chất lượng thông qua Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Theo đó hầu hết các vụ việc trợ giúp pháp lý (trong đó có vụ việc trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán) được đánh giá là đạt chất lượng và đạt chất lượng tốt, không có vụ việc nào bị khiếu kiện.

“Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là qua những vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể này, người thực hiện trợ giúp pháp lý đã kịp thời giúp nạn nhân – nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội – và người thân của họ cũng như cộng đồng và xã hội hiểu hơn, tin tưởng hơn vào chính sách, các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Đồng thời nhận biết rõ hơn các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người ở trong nước và nước ngoài, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, biết cách tự phòng ngừa và chống lại tệ nạn mua bán người”, bà Vũ Thị Hường nói. Hiện theo báo cáo của các cơ quan chức năng cũng như phản ánh của báo chí, tội phạm mua bán người tiếp tục có những diễn biến phức tạp với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.

Đã xuất hiện các hiện tượng mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, lừa bán sinh viên học sinh hay các đường dây mua bán người sang Châu Âu. Mua bán người không chỉ xảy ra ở biên giới mà còn xảy ra khắp cả nước. Tội phạm mua bán người thông qua mạng xã hội để lừa bán phụ nữ, trẻ em tại các vùng quê qua xuất khẩu lao động, di cư tự do, du lịch…

Theo Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Vũ Thị Hường, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định kể từ ngày 1-1-2018, những nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính thuộc diện người được trợ giúp pháp lý. Vì vậy, cần rà soát tổng thể các quy định của pháp luật có liên quan đến trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán, trong đó có Luật Phòng chống mua bán người, để đề xuất sửa đổi cho phù hợp, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp đồng bộ, kịp thời với các cơ quan, ban ngành, địa phương, đặc biệt là giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và các Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương để sớm phát hiện, thông tin và chuyển gửi nhu cầu trợ giúp pháp lý của nạn nhân bị mua bán có khó khăn về tài chính. Ngoài ra, tăng cường đổi mới công tác truyền thông, nhất là truyền thông về những vụ việc trợ giúp pháp lý điển hình cho nạn nhân bị mua bán.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-nan-nhan-bi-mua-ban-da-duoc-tro-giup-phap-ly-mien-phi-163682.html