Nhiều nạn nhân bị lừa bán qua mạng xã hội!

Tội phạm mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài, qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào, trong đó sang Trung Quốc chiếm trên 75%.

Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em

Tiếp tục Chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 10, Ủy ban Tư pháp vừa tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 đến 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, trong thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người đang có chiều hướng phức tạp không chỉ xảy ra ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, mà đã trải rộng trên phạm vi cả nước, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Số lượng nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của mỗi nạn nhân, từng gia đình mà còn đe dọa đến sự ổn định, trật tự an toàn xã hội.

Tình hình trên đã đặt ra yêu cầu đánh giá chính xác về thực trạng, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan cũng như các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác này.

Báo cáo một số vấn đề về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba.

Đối tượng phạm tội chủ yếu là lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người; người nước ngoài thông qua Cty môi giới vào Việt Nam dưới dạng tham quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, câu kết và cò mồi môi giới người Việt Nam, dẫn dắt thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia hoặc một số người tự bán mình hoặc từng là nạn nhân, lấy chồng nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho biết, tỷ lệ mua bán người sang Trung Quốc chiếm 75% .

Xu hướng tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội

Đáng bàn, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán. Tuy nhiên khác với trước đây, khâu tiếp cận và làm quen với nạn nhân thay vì trực tiếp thì hiện nay xu hướng ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân nên công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an, tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã rất khó khăn. Kể cả đến khi có tố giác, tin báo về tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ dàng. Nguyên do, đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra lâu mới bị phát hiện, đối tượng và nạn nhân ở nước ngoài không thể xác minh, chứng cứ ít, chủ yếu là căn cứ vào lời khai, tin tố giác của bị hại hoặc người nhà nạn nhân.

Theo đại diện VKSND tối cao, hầu hết bị hại trong các vụ án thường là những người ở vùng sâu, vùng xa, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, hoàn cảnh khó khăn nên việc cơ quan pháp luật triệu tập đến để ghi lời khai và tham gia các hoạt động tố tụng khác nhằm mở rộng điều tra vụ án gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, việc xác định địa chỉ và độ tuổi của một số trẻ em bị mua bán rất phức tạp vì một số bị hại không rõ nơi cư trú…

Từ thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng, chống mua bán người cho phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, tránh việc lợi dụng hoạt động này để mua bán người với mục đích bóc lột sức lao động, hoạt động mại dâm, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha, trong thời gian qua, tội phạm mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào, trong đó sang Trung Quốc chiếm trên 75%. Số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn bị mua bán là 3.090 người, trong đó có 2.571 người đã trở về. Các lĩnh vực thường xảy ra tội phạm như cho nhận con nuôi; kết hôn có yếu tố nước ngoài; đẻ thuê; cho, hiến tạng; xuất khẩu lao động, di cư ra nước ngoài lao động làm thuê, du lịch, chữa bệnh, thăm thân nhân.

Hải Lý

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhieu-nan-nhan-bi-lua-ban-qua-mang-xa-hoi-121270.html