Nhiều năm phấn đấu, vì sao Nghệ An vẫn nằm trong top chậm phát triển?

Đây là nhận định của Phó Bí thư tỉnh ủy tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Thông nêu ra tại buổi họp báo tuyên truyền Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An

Nhiều khu công nghiệp lớn, được kỳ vọng ở Nghệ An sau khi xây dựng không thu hút được nhà đầu tư. (Ảnh Báo Nghệ An)

Nhiều khu công nghiệp lớn, được kỳ vọng ở Nghệ An sau khi xây dựng không thu hút được nhà đầu tư. (Ảnh Báo Nghệ An)

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghệ An đã có 4 lần thay đổi lãnh đạo cấp cao nhất, với tổng cộng 5 Bí thư, Chủ tịch tỉnh. Có giữ cương vị chưa tới 2 năm đã chuyển vị trí công tác

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi "vì sao liên tiếp trong 4 nhiệm kỳ Đại hội Đảng, Nghệ An luôn đặt mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh khá, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của nhiệm kỳ 2015 -2020 chỉ đạt mức 50% - 70%?".

Trước câu hỏi này, Phó bí thư tỉnh ủy tỉnh Nghệ An - Nguyễn Văn Thông thừa nhận: Đây là vấn đề đáng quan tâm, được không chỉ các PV, nhà báo mà ngay những người tâm huyết với Nghệ An cùng nhắc tới. Chắc chắn chúng ta thấy buồn vì rất nhiều mục tiêu đặt ra ở Đại hội nhiệm kỳ trước không đạt được. Đến thời điểm này, Nghệ An vẫn nằm trong top chậm phát triển.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Nghệ An, sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ngành đã hoàn thành đạt và vượt được 24/35 chỉ tiêu đề ra. Trong số 11 chỉ tiêu chưa đạt có: Tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP 7,2 % so với chỉ tiêu Nghị quyết là 11 % ; GRDP bình quân đầu người 44,01 triệu đồng, tương đương 58% so với chỉ tiêu Nghị quyết là 70 - 75 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 được 314.000 tỷ đồng (chỉ tiêu Nghị quyết là khoảng 400.000 tỷ đồng). Kết quả thu ngân sách trên địa bàn ước cuối năm 2020 là 14.620 tỷ đồng so với chỉ tiêu Nghị quyết là 25.000 - 30.000 tỷ đồng (bằng 50% chỉ tiêu đề ra).

Sau nhiều kỳ Đại hội, mục tiêu đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá vẫn chưa thể thực hiện được.

Lý giải việc các chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh đều không đạt sau 5 năm, ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An, cho biết: Việc đề ra các chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội XVIII là dựa trên các cơ sở các tiềm lực nhìn thấy ở phía trước, nguồn thu khả năng thu và dư địa phát triển của Nghệ An trong thời gian 5 - 10 năm tới.

"Chúng ta cũng tính toán tổng thu nhập GRDP bình quân đề ra mục tiêu tăng trưởng từ 10 - 11% là dựa vào những cái có thể "cân đo đong đếm được". Ví như: Dự án thép Kobelco ở KCN Hoàng Mai 2, dự án khu công nghiệp VSIP, Dự án KCM Hemaraj thuộc Khu kinh tế Đông Nam, dự án ô tô Mitsubishi, rồi áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp... Thế nhưng trên thực tế, các dự án sau đó không triển khai được như kỳ vọng", ông Vinh ví dụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Lê Hồng Vinh giải thích vì sao nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng không đạt được

Ông Vinh tiếp tục giải thích: “Ví như dự án thép Kobe, phía Nhật họ rất tích cực nhưng do nhiều chính sách ở trên thay đổi, cũng như vấn đề nguyên liệu khiến dự án không thành công. Hay như khi triển khai dự án VSIP chúng ta cũng kỳ vọng sẽ được như Bình Dương vì Nghệ An ta là địa phương thứ 7 được VSIP đặt khi công nghiệp. Nhưng trên thực tế, khi VSIP ra đời, chúng ta cũng hỗ trợ cho họ rất nhiều nhưng lại không thu hút được nhà đầu tư vì cùng thời điểm này lại xuất hiện nhiều cơ chế như: phải nạp quỹ phục hồi đất lúa 120 tỷ đồng, cộng thêm giá hạ tầng và tính hấp dẫn khác nên nhà đầu tư không về. Kết quả đến nay cả khu VSIP có chưa đầy 10 doanh nghiệp đi vào hoạt động. Hemaraj cũng như thế”.

"Từ những câu chuyện này có thể thấy, chuẩn bị của chúng ta cũng rất kỹ, chứ không phải làm kiểu bốc thuốc bắc... Chúng ta dự báo khi có nguồn thu ngân sách như thế thì sẽ tái đầu tư lại hạ tầng. Có hạ tầng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp hơn, tạo được nhiều việc làm hơn, đời sống người dân nâng lên... Nhưng khi không thu được ngân sách thì các dự định khác lại không thực hiện được, không triển khai được dẫn đến hệ lụy chúng ta không đạt được như kỳ vọng. Chúng tôi không biện minh cho sự điều hành của chính quyền trong thời gian vừa qua nhưng đó là thực tiễn”, ông Vinh nhấn mạnh.

Dự kiến, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX diễn ra trong 3 ngày bắt đầu từ 16/10/2020 đến hết ngày 18/10/2020. Trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghệ An tiếp tục đặt ra 26 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, trong đó, chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến 9,5% - 10,5% và thu ngân sách tiếp tục đặt mục tiêu 26.000 - 30.000 tỷ đồng.

Văn Thanh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhieu-nam-phan-dau-vi-sao-nghe-an-van-nam-trong-top-phat-trien-let-det-d481226.html