Nhiều mối lo từ nhà đầu tư siêu nhỏ

Không ở đâu trên thế giới các quy định về điều kiện đầu tư lại dễ dàng đến như thế.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, chúng ta chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng hiện nay quy định được đầu tư ở nước ta quá dễ dàng, dễ gây nhiều hệ lụy.

Những nhà đầu tư tí hon

Nếu muốn được định cư ở Mỹ theo diện đầu tư, bạn phải bỏ ra 500.000 USD (diện EB5) và ở Canada là 600.000 đôla Canada. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn bỏ ra ngần ấy tiền là sẽ được định cư lâu dài ngay tắp lự mà còn phải trải qua vô vàn thủ tục nhiêu khê, phức tạp khác, thường chỉ 60% là thành công.

Thế còn ở Việt Nam thì sao? Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư không quy định mức vốn đầu tư tối thiểu, cho nên nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần bỏ chút xíu tiền và thỏa mãn các yêu cầu khác như có mặt bằng, đăng ký mở tài khoản ngân hàng, xin mã số thuế là được Sở KH&ĐT tỉnh, thành cấp giấy phép kinh doanh sau một tuần.

Chính vì điều này mà có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc dạng siêu nhỏ với số vốn khoảng 10.000 USD (250 triệu VND) xuất hiện ở Việt Nam. Điều đáng nói ở đây là họ được hưởng các ưu đãi như miễn giấy phép lao động, được cấp thẻ tạm trú lâu dài tại Việt Nam, được mang vợ chồng, con cái, người thân sang ở cùng. Họ được mua nhà chung cư, con cái được học và làm việc tại Việt Nam. Nếu họ không vi phạm pháp luật, đóng thuế đầy đủ thì họ được định cư đến khi nào chán thì thôi. Trong khi ở các nước Đông Nam Á, muốn trở thành nhà đầu tư của Singapore phải có tối thiểu 250.000 đôla Sing (180.000 USD), ở Indonesia là 109 triệu USD, ở Malaysia là 6,1 triệu USD.

Trong thời gian gần đây, số lượng nhà đầu tư tí hon như vậy xuất hiện rất nhiều ở các đô thị ven biển miền Trung như Nha Trang, Phan Thiết và nhiều nhất là ở Đà Nẵng. Họ đến từ rất nhiều nước khác nhau như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan,… Những lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là nhà hàng ăn uống, cửa hàng lưu niệm, cửa hàng tạp hóa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Ngay ở TP.HCM cũng đang hình thành nên những làng của người nước ngoài ở quận 7, quận 2, Tân Bình mà rất nhiều trong số đó là những cửa hàng kinh doanh nhỏ, vốn đầu tư không quá 500 triệu đồng.

Cơ quan chức năng tại Đà Nẵng nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý các cửa hàng ven biển gắn biển hiệu toàn chữ Trung Quốc. Ảnh: TẤN VIỆT

Cần quy định mức đầu tư tối thiểu

Việt Nam đã qua thời kỳ khốn khó, sẵn sàng chào đón mọi người đến chung tay, nay bối cảnh kinh tế-xã hội đã khác, việc tạo ra lỗ hổng trong chính sách như thế này đã và sẽ gây ra những hệ lụy rất lớn cho đất nước. Những cơ sở kinh doanh của họ không chỉ nhỏ mà còn rất phổ thông, người địa phương hoàn toàn làm được. Sự xuất hiện của họ làm mất đi thị trường lao động phổ thông của người dân địa phương. Rất nhiều trong số họ không phải là những nhà kinh doanh thành đạt, thậm chí là những người thất nghiệp ở nước sở tại và làm ăn không thành công ở bản địa. Ông Do Huyn Han, nhà kinh tế học ở ĐH Seoul Hàn Quốc, rất có lý khi nói về loại nhà đầu tư hàng xén này rằng “nếu họ làm ăn được ở nước mình thì việc gì họ phải lặn lội sang nước khác”.

Sự xuất hiện của họ sau đó là gia đình và những người khác với tư cách là cổ đông góp vốn chắc chắn là tạo ra áp lực về dân số, bởi họ không khi nào đầu tư ở vùng sâu vùng xa mà chỉ chọn các thành phố lớn, những nơi sầm uất như ven biển, trung tâm kinh tế, thậm chí là ở những nơi được coi là nhạy cảm về an ninh quốc phòng như hải cảng, biển, đảo, như thế làm quá tải dân số và quá tải cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ, chưa kể trong số họ có cả những thành phần bất hảo, tội phạm trốn chạy tại quê nhà. Tình hình tội phạm người nước ngoài tăng lên ở Đà Nẵng, Nha Trang và quanh các khu công nghiệp miền Trung cho thấy rõ điều đó.

Do vậy, chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng sửa lại Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo hướng quy định mức đầu tư tối thiểu để tạo ra bộ lọc pháp lý cho việc tiếp nhận các nhà đầu tư FDI ra tấm ra món. Với nếm trải những kinh nghiệm đau thương, việc chính quyền Đà Nẵng đề xuất với loại hình dịch vụ thương mại phổ thông thì vốn đầu tư không dưới 100.000 USD và thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là không quá 50 năm, nhiều nhà nghiên cứu cũng đề xuất thêm việc cần thiết hạn chế số lượng việc mang người từ cố quốc sang với những nhà đầu tư nhỏ như vậy.

Làm sao chúng ta biết được trong hàng chục ngàn nhà đầu tư siêu nhỏ đó có bao nhiêu “Trọng Thủy”?!

So với Việt Nam, Nhật Bản là nước cực kỳ thiếu nhân lực vì dân số của họ già quá nhanh, tỉ lệ sinh cực kỳ thấp nhưng họ kiên quyết duy trì chính sách hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài có thời hạn. Năm 2018, do quá thiếu nhân lực cho nên chính phủ Nhật Bản dự kiến mở rộng tiếp nhận đối tượng lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao trong 18 lĩnh vực như giảng viên ĐH, bác sĩ, luật sư. Nhưng quốc gia này kiên quyết không chấp nhận cho người lao động mang gia đình theo và họ phải trở về nước ngay sau khi chấm dứt thời hạn hợp đồng. Với nước Nhật vấn đề nhập cư, định cư không đơn giản chỉ là kinh tế mà thực sự là an ninh quốc gia.

NGUYỄN MINH HÒA

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/nhieu-moi-lo-tu-nha-dau-tu-sieu-nho-786289.html