Nhiều mô hình 'sống khỏe' giữa hạn, mặn

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết: Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và các giải pháp thích ứng với hạn, mặn, huyện Long Phú đã tìm ra những mô hình hay, cách làm mới phù hợp với điều kiện đất đai và nhu cầu của thị trường, từ đó đầu tư cho nông dân áp dụng, đem lại thành công như mong đợi.

Chẳng hạn như mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới của gia đình anh Dương Văn Thừa (ngụ ấp Phố, xã Hậu Thạnh) được thực hiện đầu năm 2020. Với diện tích 500m², lắp đặt 7 giàn thủy canh, mỗi giàn 6 máng, mỗi máng 26 lỗ trồng các loại rau, như: Rau muống, cải xanh, xà lách tím, cải bó xôi, cải thìa, cải ngọt.

Trong đó, ngành Nông nghiệp huyện hỗ trợ 30% chi phí thực hiện mô hình, còn lại do gia đình đối ứng. Quá trình thực hiện, nhờ cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc, sau gần 1 tháng, rau phát triển tốt và cho thu hoạch, giá bán bình quân 30.000đ/kg; trừ chi phí, lợi nhuận đạt gần 2 triệu đồng.

Nhờ trữ nước ngọt và hệ thống tưới tiết kiệm mà rau màu nhà ông Đoàn Văn Hoàng vẫn xanh tốt giữa mùa hạn.

Nhờ trữ nước ngọt và hệ thống tưới tiết kiệm mà rau màu nhà ông Đoàn Văn Hoàng vẫn xanh tốt giữa mùa hạn.

Ở ấp 1, thị trấn Long Phú, mô hình trồng bưởi da xanh áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước của gia đình ông Lê Văn Cần được đánh giá cao. Diện tích vườn bưởi da xanh 5ha được ông Cần chuyển từ cây mía sang 2 năm trước giờ bắt đầu cho trái. Ngoài bưởi, ông Cần trồng thêm nhãn, ổi.

Với diện tích vườn như trên, để giảm nhân công, tiết kiệm nước tưới trong các tháng mùa khô, ông Cần áp dụng hệ thống tưới phun sương, giúp vườn cây phát triển tốt, không lo thiếu nước trong các tháng mùa khô. Khi nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng thì vườn bưởi nhà ông Cần vẫn đủ nước tưới.

Cũng ở huyện Long Phú, nhiều nông dân né hạn, mặn bằng cách trồng các loại rau màu, như xà lách, cải, hành lá, ớt… cho thu nhập cao, lợi nhuận từ 5-6 triệu đồng/1.000m², cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Theo Phòng NN&PTNT huyện Long Phú, năm nay nông dân trên địa bàn huyện xuống giống cây màu mùa khô trên 1.400ha (dưa hấu, khổ qua, các loại đậu, dưa leo, các loại cải) cho thu nhập cao.

Ở TP. Sóc Trăng, nhiều nông dân phường 7 chọn cây dưa hấu thay cho lúa vụ 3. Qua nhiều năm canh tác, đây được xem là cây trồng chịu hạn, mặn, thích hợp thổ nhưỡng địa phương. Ông Trần Giàu (ngụ khóm 6, phường 7, TP Sóc Trăng), cho biết vụ dưa vừa rồi, ông trồng 5 công (5.000m²), sau 58 ngày cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 6 tấn/công.

Số dưa này ông không bán cho thương lái mà tự mình bán lẻ với giá dao động từ 6.000-8.000đ/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi công dưa cho lợi nhuận trên 10 triệu đồng.

“So với làm lúa thì làm dưa cho thu nhập cao hơn rất nhiều”, ông Giàu nói. Kinh nghiệm của ông Giàu là không xuống giống một đợt mà xuống cuốn chiếu nên thu hoạch từ từ, hết đợt này tới đợt khác, bán trọn vẹn, không bị ép giá không bị ế.

Ở thị xã Vĩnh Châu, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) đã triển khai mô hình lắp đặt hệ thống tưới phun sương cho vùng trồng hành tím nơi đây. Hệ thống tưới phun sương cấu tạo đơn giản với giá khoảng 2,5 triệu đồng.

Sau 6 tháng lắp đặt thí điểm, hệ thống tưới phun sương cho hành tím mang lại hiệu quả hơn rất nhiều so với cách tưới thủ công truyền thống. Điều này làm giảm chi phí, tiết kiệm công tưới, tiết kiệm nước trong khi năng suất hành tím vẫn cao. Hệ thống hiện đang được triển khai rộng rãi, giúp bảo vệ nguồn tài nguyên nước, giảm chi phí sản xuất cho bà con nông dân…

Ở huyện Cù Lao Dung, mô hình tưới nước nhỏ giọt đang được nhiều nông dân áp dụng bởi những lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Nếu như tưới nước theo cách truyền thống gây lãng phí nước, xói mòn đất thì công nghệ này giúp tưới vừa đúng với nhu cầu của cây trồng, không tổn thất trong quá trình tưới nên giúp tiết kiệm nước.

Ông Đoàn Văn Hoàng (ngụ An Thạnh Nam) cho biết, gia đình ông và nhiều hộ dân ở xã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nên chi phí tưới nước giảm đi nhiều. Ông Hoàng trồng 5 công (5.000m²) gồm dưa hấu, bí ngô, ớt. Tưới tiết kiệm mỗi giờ hết 4m³ nước, giảm một nửa so với tưới thủ công. Nhờ vậy 5 công hoa màu của gia đình ông Hoàng vẫn xanh tốt, cho trái khá nhiều.

Còn anh Lâm Văn Hữu (ngụ xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) chia sẻ: “Năm 2018, tôi đào cái ao diện tích 900m² trữ nước mưa tưới cây. Mùa mưa chứa đầy nước, đủ tưới cho cả mấy tháng mùa khô. Những ngày này nắng to, nhiều nơi không còn nước tưới, còn ao gia đình tôi vẫn còn đầy nước, chưa phải lấy nước ngoài kênh vào”.

Ông Đặng Văn Ngọ, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng, chia sẻ, khu vực ĐBSCL có 6 tháng mùa mưa nhưng chúng ta chưa phát huy được lợi thế này, còn lãng phí nguồn nước mưa rất lớn.

“Theo tôi, các địa phương nên xây dựng hệ thống đê bao, cống, ao… để tận dụng nguồn nước mưa này phục vụ sản xuất những tháng khô hạn. Còn các gia đình, nhất là vùng nông thôn cần mua dụng cụ chứa nước mưa, như: bồn, bể, túi chứa nước mưa di động; đào ao lót bạt, màng chống thấm… để chứa nước mưa sử dụng cho mùa khô hạn”, ông Ngọ nói.

V.Đức – C.Xuân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/nhieu-mo-hinh-song-khoe-giua-han-man-583789/