Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả từ nguồn vốn vay của Quỹ Quốc gia về việc làm

Thời gian qua, rất nhiều mô hình cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm đã được thực hiện thành công, góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tạo thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình họ…

Từ những dự án trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy sản, tiểu thủ công nghiệp… đã tạo ra một khối lượng sản phẩm hàng hóa rất đa dạng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt thông qua việc vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm đã góp phần hình thành nên nhiều trang trại trẻ, tổ hợp tác, hợp tác xã làm ăn có hiệu quả, thu hút nhiều lao động, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của đoàn viên thanh niên có cơ hội mở rộng quy mô, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhiều lao động trẻ ở địa phương.

Các dự án trong lĩnh vực chăn nuôi chiếm tỷ trọng vốn cao, các dự án này đã cung cấp cho xã hội hàng ngàn tấn thực phẩm chủ yếu là trâu, bò, lợn, ngan, vịt và một số con đặc sản khác như: ba ba, rắn, ốc... với những điển hình như:

Mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi bò xã Tân Phú Đông”, tỉnh Đồng Tháp vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn 144 triệu đồng, Tổ hợp tác được thành lập tháng 6/2013, gồm 3 thành viên, tập hợp các thanh niên là bộ đội xuất ngũ tại địa phương. Các thành viên trong tổ đã nuôi trên 45 con bò thịt, doanh thu bán ra gần 1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Trải qua quá trình hoạt động, tổ hợp tác nuôi bò xã Tân Phú Đông đã nhận được Bằng khen của UBND tỉnh khen thưởng có thành tích xuất sắc hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Mô hình "Làm xưởng mộc và chăn nuôi gà thương phẩm" của đoàn viên Nguyễn Văn Mừng ở thôn Cây Thị, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên, Bắc Giang được vay 60 triệu đồng. Dự án đã phát huy được hiệu quả kinh tế rõ rệt, mỗi năm lãi suất đạt trên 160 triệu đồng; thu hút thêm 3 lao động mới là người dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Mô hình nuôi bò sinh sản của Tổ thanh niên HTX Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình)

Mô hình nuôi bò sinh sản của Tổ thanh niên HTX Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình)

Trong lĩnh vực trồng trọt, từ nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia việc làm cũng đã hình thành nên hàng trăm ha cây ăn trái, cây công nghiệp tập trung, trồng mới, cải tạo hàng trăm ha vườn tạp, hàng năm tạo ra được khối lượng sản phẩm hàng hóa đáng kể cho xã hội. Có thể kể đến:

Mô hình “Đầu tư sản xuất kinh doanh giống cây cao su” của anh Lê Minh Hiến tại Bình Phước làm chủ dự án, với số vốn thực hiện 200 triệu đồng. Mô hình hoạt động tập trung vào việc trồng và chăm sóc cao su giống; số lao động được giải quyết việc làm là 10 lao động; doanh thu đạt 2 tỷ đồng/năm.

Mô hình "Mở rộng sản xuất - xây dựng xưởng chế biến chè xanh" của anh Nguyễn Văn Tuyến tại khu 15, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ vay 100 triệu đồng. Hiện Hợp tác xã của anh Nguyễn Văn Tuyến làm chủ nhiệm đang sản xuất và chế biến chè búp tươi để cung cấp cho thị trường các tỉnh. Từ số vốn 100 triệu đồng được vay từ nguồn vốn 120, HTX đã thu hút được 20 lao động địa phương tham gia với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm HTX cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí.

Mô hình “Xây dựng trang trại tổng hợp” của đoàn viên Hoàng Trung Hiếu ở thôn Thooc Phưa, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Bắc Giang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 19 lao động, trong đó thu hút thêm 15 lao động mới có thu nhập ổn định từ 2 - 2,5 triệu đồng. Tổng doanh thu của mô hình trên gần 500 triệu đồng/năm.

Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, các mô hình được thực hiện hiệu quả cũng đã tạo ra một khối lượng sản phẩm hàng hóa hết sức đa dạng cho thị trường trong nước và xuất khẩu với nhiều sản phẩm thủ công truyền thống như: sơn, thêu ren, may mặc, điêu khắc, mỹ nghệ, khắc đá…. Điển hình như:

Mô hình “Mở rộng xưởng gia công cơ khí sản xuất dây chuyền, thiết bị phục vụ khai thác đá” do đoàn viên thanh niên Nguyễn Văn Hùng làm chủ thực hiện tại thôn 9, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Đây là mô hình mang tính đặc thù địa phương do diện tích đồi núi chiếm phần lớn so với diện tích đồng bằng và việc khai thác đá phục vụ cho việc sản xuất xi măng mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho người lao động. Với số tiền vay từ nguồn 120 kênh Trung ương Đoàn đã góp phần tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập hàng tháng từ 7 – 10 triệu đồng.

Mô hình “Sản xuất hàng may mặc và gia công giầy da” do đoàn viên thanh niên Phạm Văn Thành làm chủ thực hiện tại thôn An Lãng, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Đây là mô hình thanh niên phát triển kinh tế tiêu biểu dám nghĩ, dám làm của chủ mô hình trong việc cạnh tranh trực tiếp với các công ty nước ngoài về chất lượng cũng như số lượng doanh thu. Mô hình đã thu hút và tạo công ăn việc làm cho 30 lao động trực tiếp, trong đó đối tượng lao động nữ là 24 lao động, đối tượng lao động thuộc diện thu hồi đất là 6 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng.

Trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản, tuy tỷ trọng vốn cho vay không nhiều so với các lĩnh vực khác, nhưng đây thực sự đang là mũi nhọn hấp dẫn bởi hiệu quả kinh tế cao. Tập trung trong lĩnh vực này chủ yếu là nuôi tôm, cua cá và ngao, sò. Nhiều dự án nuôi tôm, cá của các tỉnh ven biển như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau, Bạc Liêu… đã mang lại lợi nhuận cao cho người lao động.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nhieu-mo-hinh-san-xuat-kinh-doanh-hieu-qua-tu-nguon-von-vay-cua-quy-quoc-gia-ve-viec-lam-d98769.html