Nhiều mô hình hỗ trợ hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về

'Giai đoạn từ 2002 đến tháng 9-2017, một số mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được triển khai ở các địa phương đã cho thấy tính hiệu quả và thực tiễn cao' - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đó là các mô hình như: Mô hình Nhóm tự lực, mô hình Kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS. Sự thành công của các mô hình bước đầu đã giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, thông qua việc sử dụng đồng vốn sinh kế hiệu quả đem lại thu nhập ổn định cuộc sống, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Tiêu biểu trong số các mô hình có thể kể đến là mô hình Nhóm tự lực. Đây là mô hình được xây dựng chủ yếu ở các địa bàn có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về. Các hoạt động chính của Nhóm tự lực gồm: Khảo sát, hình thành nhóm nạn nhân bị mua bán trở về; Tổ chức sinh hoạt nhóm định kỳ hàng tháng để cung cấp kiến thức về phòng, chống mua bán người, kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, hiểu biết về phòng chống HIV/AIDS;

Tư vấn sinh kế, các cơ hội giải quyết việc làm; Cung cấp gói hỗ trợ khởi nghiệp cho các thành viên Nhóm tự lực thông qua việc hỗ trợ con giống trong chăn nuôi (lợn, bò, dê..) hoặc hỗ trợ cho vay vốn từ nguồn dự án; Thuê chuyên gia về hỗ trợ công tác chăn nuôi cho các thành viên; Hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu giúp các thành viên tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu để cải thiện cuộc sống, ổn định kinh tế gia đình tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Tiếp nhận nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về . Ảnh tư liệu

Tiếp nhận nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về . Ảnh tư liệu

Mô hình Nhóm tự lực khá hiệu quả khi các nạn nhân ở gần nhau, có cùng hoàn cảnh, cùng tham gia sinh hoạt nên được hỗ trợ cả về tâm lý, kiến thức, kỹ năng và tài chính cho từng thành viên. Mô hình được đánh giá có tác động tốt đối với sự phát triển kinh tế tại vùng khó khăn, giảm bớt áp lực về tìm kiếm việc làm cho nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Theo báo cáo, giai đoạn 2011-2015 có 2.213 nạn nhân bị mua bán trở đã được hỗ trợ trở về hòa nhập cộng đồng, chiếm tỷ lệ 58%, trong đó 2.173 nạn nhân là nữ giới (chiếm 98.2%); độ tuổi dưới 16 chiếm 199 người (chiếm 9%). Số nạn nhân được trao trả song phương chiếm 51%, được giải cứu chiếm 21%, tự trở về chiếm 28%.

Nạn nhân bị mua bán (tùy theo nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân) được tiếp nhận và lưu trú tạm thời tại Trung tâm bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Các nạn nhân cũng đã được hỗ trợ các dịch vụ liên quan như trợ cấp khó khăn ban đầu, học nghề, tạo việc làm, vay vốn, khám chữa bệnh, tư vấn tâm lý và trợ giúp pháp lý.. với tổng kinh phí hỗ trợ gần 5 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn mua bán người người qua việc tham gia các Điều ước quốc tế; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức người dân để phòng, chống mua bán người, cưỡng bức lao động.

Trong đó Bộ luật Hình sự đã có quy định về tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi (các Điều 150, 151). Luật Phòng, chống mua bán người giao Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào chương trình phòng chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em, chương trình vì sự tiến bộ của phụ nữ và các chương trình khác về phát triển kinh tế, xã hội để giải quyết một cách có hiệu quả tệ nạn mua bán người.

Ngoài ra, Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016-2020 cũng đã được ban hành hướng tới mục tiêu chung là giảm nguy cơ mua bán người; giảm tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Tính từ 2011-2015, VKSND các cấp đã truy tố 934 vụ về tội mua bán người; tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Từ năm 2011 đến năm 2016, TAND các cấp đã thụ lý để xét xử theo thủ tục sơ thẩm 1.193 vụ và đã xét xử 1.130 vụ đối với tội phạm mua bán người.

Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã đưa ra những đánh giá cụ thể về việc thực thi các điều khoản cụ thể của Công ước cùng những Kết luận quan sát của Ủy ban Công ước nêu ra sau khi xem xét Báo cáo năm 2002.

Theo đó, mặc dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, Nhà nước Việt Nam luôn cố gắng bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người nói chung và các quyền dân sự, chính trị nói riêng. Điều này được thể hiện thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và các cơ chế bảo vệ và bảo đảm quyền con người khác nhau ngày càng được tăng cường và phát triển.

Nguyên An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhieu-mo-hinh-ho-tro-hieu-qua-nan-nhan-bi-mua-ban-tro-ve-117705.html