Nhiều mô hình giúp dân thoát nghèo

Trong nhiệm kỳ 2014-2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo.

Bà Đinh Thị Thu Vân (ngụ ấp Suối Rút, xã Phú Túc, huyện Định Quán) cùng chồng chuẩn bị xay đậu nành để bán. Chiếc máy làm đậu nành bà Vân mua được từ tiền của dự án hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh của Quỹ Vì người nghèo huyện Định Quán. Ảnh: VĂN TRUYÊN

Bà Đinh Thị Thu Vân (ngụ ấp Suối Rút, xã Phú Túc, huyện Định Quán) cùng chồng chuẩn bị xay đậu nành để bán. Chiếc máy làm đậu nành bà Vân mua được từ tiền của dự án hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh của Quỹ Vì người nghèo huyện Định Quán. Ảnh: VĂN TRUYÊN

Những mô hình này đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

* Giúp vốn cho người nghèo

Được triển khai từ đầu năm 2014, dự án hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh của Quỹ Vì người nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán thực hiện đã cung cấp khoản vay nhỏ không lãi suất từ 5-10 triệu đồng trong thời gian 3 năm cho hộ nghèo. Những hộ nghèo từng vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội nhưng do làm ăn gặp rủi ro nên mất vốn, không khả năng trả tiền cho Nhà nước được ưu tiên cho vay vốn.

Trong 5 năm qua, Quỹ Vì người nghèo đã được các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh ủng hộ gần 1.726 tỷ đồng.

Trong giai đoạn đầu của dự án (2013-2016), đã có 73 hộ nghèo trong huyện được vay vốn với số tiền 657 triệu đồng. Trong số này có 65 hộ đã trả lại vốn và được công nhận thoát nghèo. Những gia đình còn lại chưa trả được vốn, chưa được công nhận thoát nghèo do đột ngột bị mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn giao thông... nên không còn khả năng để tiếp tục lao động.

Đầu năm 2013, hộ ông Hoàng Ngọc Khang (hộ nghèo ở ấp 5, xã Phú Tân, huyện Định Quán) được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán chấp thuận cho vay 10 triệu đồng để nuôi dê từ Quỹ Vì người nghèo. Năm 2016, sau quá trình tích góp từ bán dê thịt, ông Khang đã trả lại số vốn cho Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán. Đầu năm 2017, gia đình ông Khang được xét ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. “Đó là niềm vui lớn đối với gia đình. Không chỉ thoát nghèo trên danh nghĩa mà gia đình tôi thật sự có cuộc sống tốt hơn trước”- ông Khang nói.

Sau khi giai đoạn 1 của dự án phát huy hiệu quả, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 (2017-2020). Ở giai đoạn này, ngoài kinh phí từ Quỹ Vì người nghèo của huyện Định Quán, dự án còn được bổ sung nguồn từ Quỹ Vì người nghèo tỉnh và vận động thêm sự đóng góp của các doanh nghiệp, mạnh thường quân...

Cùng với tăng nguồn lực cho dự án, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán cũng tăng mức cho vay từ 5-10 triệu đồng lên 10-20 triệu đồng cho mỗi trường hợp vay vốn. Trong giai đoạn này, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán đặt mục tiêu cho 340 hộ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế.

Còn tại huyện Cẩm Mỹ, trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cẩm Mỹ đã rà soát nhu cầu hỗ trợ vốn của hộ nghèo, gia đình khó khăn. Qua đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cẩm Mỹ đã sử dụng Quỹ Vì người nghèo của huyện để trợ vốn cho hộ nghèo, gia đình khó khăn vay vốn.

Theo ông Phan Văn Thạo, Ủy viên thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cẩm Mỹ, trong giai đoạn đầu đã có 15 hộ nghèo, gia đình khó khăn được tạo điều kiện vay vốn từ 15-20 triệu đồng để làm kinh tế. Đến nay, số vốn đã được 15 hộ này hoàn trả lại cho Quỹ Vì người nghèo của huyện và các hộ đều có bước chuyển biến về điều kiện sống. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ tiếp tục triển khai mô hình trợ vốn này cho hộ nghèo, gia đình khó khăn.

* Mô hình 3 tại chỗ trong xây nhà cho người nghèo

Bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, ở Đồng Nai việc xây dựng nhà cho hộ nghèo, gia đình khó khăn được thực hiện theo mô hình 3 tại chỗ: đóng góp của mạnh thường quân, tự chủ của gia đình và sự giúp sức của dòng họ, cộng đồng trong khu dân cư. Nhờ đó mà những căn nhà tình thương dành cho hộ nghèo, gia đình khó khăn sau khi hoàn thành luôn có giá trị cao hơn kế hoạch xây dựng ban đầu.

Ông Hồ Thanh Phong (ngụ ấp 5, xã La Ngà, huyện Định Quán) khoe những con ba ba do mình nuôi từ nguồn vốn của dự án hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh của Quỹ Vì người nghèo huyện Định Quán. Ảnh: VĂN TRUYÊN

Ông Đỗ Minh Quang (ngụ ấp 3, xã Phú Lập, huyện Tân Phú) cho biết, đầu năm 2019, gia đình ông được sống trong căn nhà mới trị giá trên 100 triệu đồng, trong đó 50 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ, hơn 40 triệu đồng do vợ chồng ông vay thêm và khoảng 10 triệu đồng do họ hàng, bà con lối xóm ủng hộ. Nhờ đó mà ngôi nhà mới của gia đình ông Quang thêm khang trang.

Còn theo ông Liên Thanh Phước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Xuân Tân (TP.Long Khánh), thực hiện mô hình 3 tại chỗ, trong 5 năm qua đã có 6 gia đình khó khăn được xây dựng, sửa chữa nhà với số tiền hơn 233 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo. Mức xây dựng ban đầu do phường đưa ra chỉ là 40 triệu đồng, song giá trị căn nhà được nâng lên nhờ sự đóng góp thêm của gia đình, quà tặng của các đoàn thể phường, khu phố.

Cũng theo bà Bùi Thị Liễu, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, sáng tạo riêng của Đồng Nai trong thực hiện mô hình 3 tại chỗ, cộng với đóng góp tích cực của cộng đồng mà cuối năm 2018, Đồng Nai được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao bằng ghi công tỉnh Đồng Nai hoàn thành việc xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa xong nhà dột nát cho người nghèo.

“Căn nhà ở thời gian lâu sẽ xuống cấp, chuẩn hộ nghèo ngày càng được nâng cao do vậy hộ nghèo mới vẫn sẽ phát sinh. Do đó, việc rà soát để kịp thời nắm bắt nhu cầu về nhà ở để kịp thời có sự hỗ trợ người nghèo, gia đình khó khăn sẽ tiếp tục được ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ở Đồng Nai thực hiện thường xuyên và liên tục” - bà Liễu nhấn mạnh.

Võ Tuyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201907/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-mttq-viet-nam-tinh-dong-nai-lan-thu-ix-nhiem-ky-2019-2024-nhieu-mo-hinh-giup-dan-thoat-ngheo-2956948/