Nhiều mặt hàng được ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh

Một trong những biện pháp để giảm nhập siêu của Việt Nam chính là tăng cường các biện pháp để thúc đẩy XK. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng XK của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hy vọng đây sẽ là bước đột phá để Việt Nam có thể XK nhiều hơn, đồng thời giảm nhập siêu.

Mục tiêu chung của đề án là nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa XK Việt Nam trên thị trường thế giới giai đoạn 2016-2020 và 2021-2030, phấn đấu kim ngạch XK hàng hóa đến năm 2020 tăng gấp trên 3 lần năm 2010, cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại thời kỳ 2021-2030. Đến năm 2030, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa bình quân 9-10%/năm thời kỳ 2021-2030. Mỗi năm có ít nhất 200 lượt DN XK có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia và 400 lượt DN đạt giải chất lượng quốc gia, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho các mặt hàng sẽ có lợi thế XK.

Đáng chú ý, đề án có đề cập đến các mặt hàng ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh gồm: Nhóm hàng nông, thủy sản, trong đó các mặt hàng đang có lợi thế XK như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, rau quả; nhóm hàng công nghiệp chế biến có các mặt hàng đang có lợi thế XK: dệt may; giày dép; đồ gỗ; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, dây điện, cáp.

Tuy nhiên, để gia tăng XK những mặt hàng này, cần tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi phương thức sản xuất và XK, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm XK theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng đối với sản phẩm XK là vấn đề cần ưu tiên được đặt ra.

Theo đó, hàng nông sản cần chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ; chuyển từ XK nguyên liệu thô sang sản phẩm đã chế biến, từ sản phẩm chế biến đơn giản sang sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Sản phẩm công nghiệp chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa.

Có thể thấy, XK của Việt Nam hiện nay mới chỉ thiên về quy mô số lượng mà chưa được chú ý đến chất lượng. Chính vì vậy, nhiều sản phẩm của Việt Nam XK dưới dạng thô và không có thương hiệu. Ông Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, cho đến nay, cơ cấu kinh tế của Việt Nam vẫn rất thấp, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và công nghiệp gia công lắp ráp. Việt Nam phải thay đổi, nâng cao giá trị cơ cấu nền kinh tế, không dựa vào khai thác tài nguyên mà dựa vào công nghệ nhiều hơn, không dựa vào lắp ráp mà dựa vào chế tạo, phát triển công nghiệp hỗ trợ - công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần NK những sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, an toàn đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời nâng cao tỷ trọng NK công nghệ nguồn, hạn chế NK công nghệ cũ, lạc hậu.

Bên cạnh việc xác định được những “giá trị” cốt lõi trong XK, tức là xác định những mặt hàng ưu tiên XK, theo ông Khôi, cần có những giải pháp để phát triển thị trường XK cho hàng hóa Việt Nam thời gian tới. Những giải pháp này hướng vào việc hoàn thiện chế chế, nhất là hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cam kết trong FTA; tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thông tin thị trường và xúc tiến thương mại nhằm cung cấp kịp thời tình hình chính trị, thị trường, chính sách, biện pháp quản lý XNK, rào cản… bởi đây là những thông tin DN cần hơn cả.

D.Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhieu-mat-hang-duoc-uu-tien-nang-cao-nang-luc-canh-tranh.aspx