Nhiều mặt hàng đối diện nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại

Trước tình hình gian lận thương mại, lẩn tránh phòng vệ thương mại (PVTM) diễn biến ngày càng gia tăng và phức tạp, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp trong quá trình kiểm tra, cập nhật thường xuyên tình hình kiểm tra kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu để kịp thời xử lý các vụ việc cũng như các doanh nghiệp nếu có dấu hiệu vi phạm.

3 sản phẩm nằm trong mức độ cảnh báo PVTM cao nhất

Nhằm triển khai Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”, Bộ Công Thương đã xây dựng Danh sách theo dõi các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM hoặc điều tra chống lẩn tránh thuế để cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Danh sách này được công bố lần đầu vào tháng 8/2019, gồm 13 mặt hàng xuất khẩu sang 3 thị trường: Hoa Kỳ, EU, Canada. Các mặt hàng trong danh sách theo dõi được phân thành 4 mức độ cảnh báo từ 1 đến 4, trong đó mức độ 4 là mức độ cao nhất.

Theo đó, danh sách được cập nhật hàng tháng trên cơ sở phân tích diễn biến tình hình xuất nhập khẩu, thông tin cảnh báo, diễn biến những biện pháp PVTM nước ngoài áp dụng với bên thứ ba.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thông tin từ Cục PVTM, Bộ Công Thương cho biết, đã có đến 25 sản phẩm nằm trong danh sách này.

Trong đó có 3 sản phẩm nằm ở mức độ cảnh báo 4 tức là cơ quan điều tra nước ngoài đã khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam hoặc số lượng hàng hóa xuất khẩu có sự gia tăng đột biến dễ có nguy cơ bị điều tra, gồm: gỗ dán dùng nguyên liệu là gỗ cứng, ống cơ khí bằng thép và hợp kim lạnh, bánh xe thép.

Gỗ dán - 1 trong những mặt hàng bị cảnh báo PVTM cao nhất

Gỗ dán - 1 trong những mặt hàng bị cảnh báo PVTM cao nhất

Đặc biệt, trong đó đáng chú ý là mặt hàng gỗ dán. Theo số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế hoa kỳ (USITC), trong 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sang Hoa Kỳ đối với các mã HS bị điều tra đạt 10,5 triệu USD, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, theo số liệu của Hải quan Việt Nam cung cấp, trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sang Hoa Kỳ đối với các mã HS bị điều tra đạt 25,6 triệu USD. Như vậy, hiện nay, đang có sự khác biệt giữa số liệu Hải quan Việt Nam và Hải quan Hoa Kỳ.

Hiện tại, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế dưới hình thức chuyển tải đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam và đang áp dụng biện pháp sơ bộ.

Về nguyên tắc, trong vụ việc điều tra của CBP chỉ liên quan đến các doanh nghiệp bị điều tra. Do vậy, để tránh nguy cơ công ty bị điều tra đầu tư, thành lập công ty khác để tiếp tục xuất khẩu, Cục PVTM cũng đã có khuyến nghị cần theo dõi chặt chẽ số liệu về chủ đầu tư cũng như xuất nhập khẩu của mặt hàng này.

Trong danh sách cảnh báo của Cục PVTM, Bộ Công Thương còn có 9 mặt hàng nằm trong mức độ cảnh báo 3 tức là kim ngạch nhập khẩu từ nước bị điều tra ở mức cao trước khi bị áp thuế nhưng đã giảm mạnh sau khi bị áp thuế. Các mặt hàng này gồm: Đá nhân tạo, giá để đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn, thép tiền chế, tấm nhôm hợp kim thông dụng, xi lanh propane thép.

Ngoài ra danh sách còn có 12 mặt hàng ở mức độ cảnh báo 1 – 2, chưa có nguy cơ bị áp thuế nhưng các doanh nghiệp cũng cần có sự lưu ý trong tình hình xuất khẩu như: Vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, lá nhôm, ghim đóng thùng, Gluconate natri, phụ kiện rèn bằng thép, dây thun, ống hàn đường kính lớn, sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp, thép chống ăn mòn, ruy băng trang trí, Glycine.

Tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát mức độ cao

Trước tình hình thực tế, đến nay, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT ngày 12/11/2019 quy định về tạm ngừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất Hoa Kỳ và Thông tư số 27/2019/TT-BCT ngày 15/11/2019 quy định về danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.

Bộ Tài chính cũng đang tiến hành sửa đổi dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 127/2013/NĐ-CP và Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan trong đó có nội dung về xử phạt các hành vi gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.

Đối với công tác ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM, trong thời gian qua, Cục PVTM, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, đặc biệt các mặt hàng nhạy cảm, cảnh báo cao. Các đơn vị chức năng của Bộ đã thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa tại một số DN có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu được xác định xuất xứ theo tiêu chí cộng gộp.

Tổng cục Hải quan cũng đã yêu cầu các đơn vị hải quan, đặc biệt là hải quan địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm tăng cường kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với DN xuất nhập khẩu có mặt hàng rủi ro cao; thực hiện kiểm tra ngay DN khi có dấu hiệu giao dịch xuất nhập khẩu tăng đột biến đối với những mặt hàng thuộc đối tượng nghi ngờ.

Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có chức năng điều tra các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp tổ chức các buổi hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ của các DN, từ đó khuyến cáo các DN không tiếp tay cho các hành vi gian dối.

Bộ Công Thương vừa tổ chức cuộc họp về triển khai Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ” với các Bộ, ngành liên quan.

Trong thời gian tới, các Bộ, ngành sẽ tập trung vào việc rà soát các quy định pháp luật để có chế tài mạnh hơn đối với các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và tăng cường công tác kiểm tra nhằm kiên quyết ngăn chặn các hành vi gian dối này. Các Bộ, ngành cũng nhất trí tiếp tục tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp trong quá trình kiểm tra, cập nhật thường xuyên tình hình kiểm tra xử lý các vụ việc cũng như các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.

Thu Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-mat-hang-gia-tang-nguy-co-dieu-tra-phong-ve-thuong-mai-130581.html