Nhiều mặt hàng bị quản lý chồng chéo

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thời gian qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành…, việc cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã có sự chuyển biến song vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Cán bộ hải quan kiểm tra thực tế hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Minh Tuấn

Cán bộ hải quan kiểm tra thực tế hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Minh Tuấn

Số mặt hàng phải thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành giảm từ khoảng 100.000 mặt hàng (năm 2015) xuống còn 78.000. Tỷ lệ các lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan còn khoảng 19,4% (mục tiêu của Chính phủ là dưới 10%). Những thay đổi tích cực vẫn còn quá ít so với yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp. Những vướng mắc, bất cập về quy định, thủ tục trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn đang là rào cản, gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM, cho biết sau gần 2 năm, số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tăng hơn 120 văn bản. Số lượng văn bản quá nhiều, chất lượng văn bản chưa cao, thường xuyên thay đổi gây khó khăn, lúng túng cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan trong việc theo dõi, cập nhật và áp dụng.

Trong khi đó, cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành hiện nay đang quá mức cần thiết, chưa áp dụng đầy đủ nguyên tắc “quản lý rủi ro” theo chỉ đạo của Chính phủ. “Việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro theo yêu cầu của Thủ tướng mới được áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực hải quan, cơ quan có hệ thống quản lý rủi ro tương đối tốt”, bà Thảo nhận xét.

Đặc biệt, doanh nghiệp phản ánh tình trạng quản lý còn chồng chéo, một mặt hàng phải chịu sự quản lý của nhiều bộ ngành. Có mặt hàng nằm trong danh mục phải kiểm tra chuyên ngành của bộ này nhưng lĩnh vực sử dụng lại thuộc bộ khác quản lý. Có nhóm hàng được bộ này cắt giảm thì bộ khác đưa vào diện quản lý.

Theo rà soát của Tổng cục Hải quan, có khoảng 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa (tương đương với 1.012 dòng hàng hóa tính theo mã số HS ở cấp độ 8 chữ số, và tương ứng với 1.501 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể), đang còn chồng chéo trong thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. “Đây là nội dung mà Chính phủ đề cập nhiều, nhưng sự thay đổi còn chậm. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là phải xóa bỏ triệt để tình trạng quản lý chồng chéo, một mặt hàng chỉ quản lý ở một nơi”, chuyên gia của CIEM nói.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-09-20/nhieu-mat-hang-bi-quan-ly-chong-cheo-92469.aspx