Nhiều lộn xộn, bất cập trong các giải bóng đá 'phủi'

Phong trào bóng đá phủi đã có bước phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh trong 2-3 năm trở lại đây với hàng nghìn cầu thủ, hàng trăm đội bóng, cùng hàng chục giải đấu lớn, nhỏ khác nhau được tổ chức. Tuy nhiên, phần lớn các giải đấu đều tổ chức 'chui' dẫn đến tình trạng lộn xộn, thiếu kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Một giải bóng đá “phủi” tại Thanh Hóa (ảnh có tính chất minh họa).

Hiện nay, trên địa bàn TP Thanh Hóa có rất nhiều sân cỏ nhân tạo nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu môn bóng đá của người dân. Có thể khẳng định, bóng đá là một trong những môn thể thao được yêu thích và thu hút số lượng người tham gia tập luyện đông nhất. Từ đó, các câu lạc bộ, các đội bóng phong trào cũng “nở rộ” khá mạnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn TP Thanh Hóa có trên 100 đội bóng “phủi” hoạt động thường xuyên. Đây là tín hiệu tích cực về sự phát triển của phong trào bóng đá hiện nay. Sân chơi bóng đá phong trào dành cho tất cả các đối tượng, lứa tuổi do vậy trào lưu thành lập các câu lạc bộ, các đội bóng đá phong trào hiện đang phát triển mạnh. Sau khi hoạt động của các đội bóng, CLB đi vào ổn định, hầu hết đều muốn thử sức tại các giải đấu bóng đá phong trào mà cụ thể ở đây là các giải bóng đá “phủi”.

Cũng giống như ở các thành phố lớn, các giải bóng đá “phủi” tại Thanh Hóa ngày càng được tổ chức nhiều hơn. Nếu như năm 2017, chỉ có 2-3 giải được tổ chức thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên gấp 3-4 lần... Qua khảo sát, hầu hết các giải bóng đá “phủi” đều tổ chức mà không đăng ký với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Một trong những giải bóng “phủi” đáng chú ý gần đây là giải TH League. 2 lần tổ chức trước vào các năm 2017 và 2018, giải đấu này đều tổ chức “chui”. Một giải đấu với 10 đội bóng tham gia; 9 vòng đấu, 45 trận đấu được tổ chức trên cụm sân cỏ nhân tạo trong công viên Hội An với lễ khai mạc khá quy mô với trống dong, cờ mở, âm nhạc ồn ào... và điều đáng ngạc nhiên là ban tổ chức còn vô tư đặt các biển quảng cáo quanh sân. Chưa hết, giải đấu diễn ra mà không có bất cứ bóng dáng nào của lực lượng bảo đảm công tác an ninh trật tự. Như vậy, giải đấu tổ chức đã không xin phép các cơ quan chức năng, vi phạm luật quảng cáo, an ninh trật tự... Bóng đá là môn đối kháng, trong khi thành viên các đội bóng là những cầu thủ xuất thân từ nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội do đó sự tiềm ẩn các sự cố va chạm là chuyện xảy ra thường xuyên khi không có lực lượng làm công tác an ninh trong các trận đấu. Chưa dừng lại ở đó, ban tổ chức giải TH League còn mở rộng, đưa thêm giải hạng 2 với quy mô 12 đến 14 đội tham dự. Giải đấu mới này được tổ chức lần đầu năm 2018 và đến năm 2019 vẫn tiếp tục được duy trì nhưng đều... không xin phép. Tương tự như hai giải đấu nói trên, tại các cụm sân cỏ nhân tạo khác, nhiều giải đấu bóng đá “phủi” được tổ chức với quy mô không thua kém, thậm chí còn vượt cả các giải đấu chính thống do các đơn vị được cấp phép đứng ra tổ chức.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Hữu Thành, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa cho biết: Các giải bóng đá cho dù là giải phong trào chính thống, hay các giải “phủi” hiện nay khi tổ chức với quy mô lớn, có yếu tố quảng cáo... đều phải được cơ quan chức năng cấp phép. Tại Hà Nội giải bóng đá “phủi” nổi tiếng là HPL khi tổ chức đều phải xin cấp phép và bảo đảm tốt các vấn đề như quảng cáo, bảo đảm an ninh trật tự theo quy định. Còn việc kiểm tra, kiểm soát phải thuộc về chính quyền cấp phường, xã, thị trấn, cơ quan chức năng có liên quan.

Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay đó là nạn cá độ bóng đá ngay tại sân bóng đá “phủi”. Ngay bên ngoài sân ở các trận đấu đều xuất hiện những nhà cái tìm cách lôi kéo khán giả, trong đó chủ yếu là các đối tượng trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Nhẹ thì mức cá độ vài ba triệu, lớn hơn có thể lên đến cả trăm triệu. Điều đáng nói là tệ nạn này diễn ra rất công khai tại các sân bóng đá “phủi” mà không hề bị các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn. Đã có không ít những thanh, thiếu niên vì ham mê mà đã chơi cá độ, mất hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, cũng đã xảy ra không ít vụ xô xát ngay trên sân có cả sự tham gia của một số thành phần bất hảo trong xã hội.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có những giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh, xử lý những lộn xộn tại các giải bóng đá “phủi” hiện nay trên địa bàn tỉnh. Với những giải đấu chưa được cấp phép, tổ chức không bảo đảm đầy đủ quy định, có dấu hiệu vi phạm cần “tuýt còi” và phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: Gia Khánh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/the-thao-trong-tinh/nhieu-lon-xon-bat-cap-trong-cac-giai-bong-da-phui/101591.htm