Nhiều lợi ích khi thực hiện phân loại rác tại nguồn

Việc triển khai và thực hiện chủ trương của TP về phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường.

Quốc hội vừa thông qua Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) với tỉ lệ 91,91% với mục tiêu hướng đến chất lượng môi trường tốt nhất cho quốc gia và người dân. Trong đó có một số nội dung liên quan đến việc yêu cầu hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện phân loại rác tại nguồn (PLRTN)… Và đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom chất thải nếu rác thải chưa được phân loại theo quy định.

Trong khi đó, hiện mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 9.500 tấn CTRSH, tỷ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6-10%. Việc tăng nhanh chóng CTRSH đô thị với tính chất, thành phần đa dạng phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý.

Phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, công tác xử lý rác thải hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Cụ thể, công tác này chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải, dẫn đến khối lượng chất thải rắn xử lý bằng công nghệ chôn lấp cao. Điều này gây lãng phí tài nguyên, quỹ đất, ngân sách và ảnh hưởng môi trường.

TP.HCM tiến tới xóa bỏ tình trạng thu gom “da beo, phương tiện cũ kỹ” và thay thế bằng các phương tiện mới đảm bảo chất lượng vệ sinh, bảo vệ môi trường. Ảnh: CN

TP.HCM tiến tới xóa bỏ tình trạng thu gom “da beo, phương tiện cũ kỹ” và thay thế bằng các phương tiện mới đảm bảo chất lượng vệ sinh, bảo vệ môi trường. Ảnh: CN

Ngoài ra, việc phân loại CTRSH tại nguồn cũng chưa đạt hiệu quả cao. Trong khi đó, việc PLRTN là giải pháp rất cần thiết, tạo nền tảng cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn về giải pháp xử lý chất thải rắn tối ưu.

Cho nến, việc phân loại CTRSH tại nguồn là giải pháp rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Nếu thực hiện thành công sẽ giúp các nhà quản lý, đơn vị xử lý rác thải có nhiều giải pháp hơn trong xử lý tái chế chất thải. Qua đó, không những mang lại giá trị lớn cho môi trường mà còn mang lại giá trị về kinh tế và xã hội.

Nhiều giải pháp được đặt ra

Nhận thấy được sự cần thiết của việc phân loại CTRSH tại nguồn, TP.HCM đã đưa ra kế kế hoạch thực hiện theo phương thức mới giai đoạn 2020 trở đi. Cụ thể, để thực hiện chủ trương chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM về đổi mới phương thức phân loại CTRSH thành hai nhóm chính là nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP.HCM đã trình UBND TP kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm và lộ trình tổ chức phân loại CTRSH tại nguồn theo hướng phân loại thành hai nhóm chính, đó là: rác tái chế và rác còn lại, để người dân dễ thực hiện. Đặc biệt, giải pháp này sẽ không làm thay đổi phương thức thu gom, rác phát sinh tại các hộ gia đình, chủ nguồn thải vẫn được thu gom hàng ngày.

Bên cạnh đó, nhằm chuẩn bị cơ sở pháp lý để triển khai công tác phân loại CTRSH theo phương thức mới, Sở TN&MT cũng đã có tờ trình gửi UBND TP về dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 17-5-2019 của UBND TP quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, Sở TN&MT tham mưu điều chỉnh một số nội dung liên quan đến quy định về phân loại CTRSH và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

Thời gian qua, TP.HCM đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp trong công tác quản lý CTRSH:

- TP đã ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn liên quan đến quản lý hoạt động lực lượng thu gom rác dân lập, chuyển đổi phương tiện, giá dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, hướng dẫn kỹ thuật về phân loại và xử lý chất thải khu vực nông thôn.

- UBND 24 quận, huyện đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn đến 238/322 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP, chiếm tỷ lệ 74%.

Thông qua việc triển khai chương trình phân loại CTRSH, TP đã cơ bản xử lý được vấn đề tồn tại từ trước đến nay về quản lý rác dân lập, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, buộc lực lượng này phải thay đổi, từng bước đáp ứng tốt các quy định quản lý nhà nước, tiến tới xóa bỏ tình trạng thu gom “da beo, phương tiện cũ kỹ” và thay thế bằng các phương tiện mới đảm bảo chất lượng vệ sinh, bảo vệ môi trường.

CHÂU NGUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/moi-truong/nhieu-loi-ich-khi-thuc-hien-phan-loai-rac-tai-nguon-951081.html