Nhiều lợi ích khi điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Thời gian trước, những đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV ít có phương pháp dự phòng thì nay điều này đã được khắc phục nhờ việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Cán bộ y tế đang tư vấn cho khách hàng về nguy cơ lây lan HIV và phương pháp điều trị dự phòng PrEP. Ảnh: DN

Cán bộ y tế đang tư vấn cho khách hàng về nguy cơ lây lan HIV và phương pháp điều trị dự phòng PrEP. Ảnh: DN

Nguy cơ lây lan HIV

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong giai đoạn 2005-2010, mỗi năm cả nước phát hiện trung bình khoảng 30.000 trường hợp nhiễm HIV và ghi nhận khoảng 10.000 trường hợp tử vong, thì hiện nay mỗi năm chỉ còn phát hiện được khoảng 10.000 người nhiễm HIV và khoảng 2.000 người tử vong do HIV/AIDS.

3 tháng năm 2020, Việt Nam phát hiện thêm 2.671 người mắc HIV, trong đó có 440 người tử vong. Lũy tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống nhưng chỉ có 212.000 người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.

(Số liệu từ Cục Phòng chống HIV)

Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ước khoảng 0,23% năm 2020, đạt mục tiêu dưới 0,3% của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS.

Dù có nhiều kết quả song theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế, dịch HIV/AIDS đã giảm nhiều nhưng chưa ổn định, mỗi năm vẫn có 10.000 người dương tính với HIV được phát hiện mới, còn xa so với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là dưới 1.000 người nhiễm HIV/năm. Số lũy tích người nhiễm HIV ngày càng tăng với trên 200.000 người nhiễm HIV cần được điều trị, chăm sóc thường xuyên, liên tục, suốt đời.

“Không chỉ vậy, hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV đang ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM (đồng tính nam) gia tăng nhanh (từ 5-7% lên 12-15%). Dịch HIV/AIDS nguy cơ bùng phát trở lại nếu không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Để góp phần giảm thiểu tình trạng lây lan HIV, theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV, Bộ Y tế, cơ quan này đang triển khai việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), đây được coi là biện pháp hiệu quả để hạn chế sự lây lan của HIV.

Giải thích rõ hơn về việc điều trị này, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, PrEP cũng có nghĩa là một người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV, nếu sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) mỗi ngày, sẽ dự phòng không bị nhiễm HIV.

Nói về lợi ích của việc dùng PrEP, bà Tâm cho rằng, khi dùng thuốc hàng ngày, nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho virút HIV xâm nhập và nếu chẳng may xâm nhập cũng không nhân lên trong cơ thể. Từ đó dự phòng được lây nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chỉ ra PrEP có hiệu quả cao trong dự phòng lây nhiễm HIV nếu dùng mỗi ngày. Khi sử dụng PrEP mỗi ngày, PrEP có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90%. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ dùng thuốc đều đặn hàng ngày, sẽ không thể dự phòng lây nhiễm HIV một cách hiệu quả.

Từ hiệu quả dự phòng HIV của PrEP và lợi ích dài hạn của sử dụng ARV để dự phòng cho người chưa nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm cung cấp PrEP cho MSM và nhóm chuyển giới nữ (TGW) trong gói dự phòng HIV kết hợp tại TPHCM. Thí điểm này sẽ đưa ra các bằng chứng và cung cấp thông tin về tính khả thi của việc triển khai PrEP tại Việt Nam.

Cũng theo ông Hoàng Đình Cảnh, Bộ Y tế đã có kế hoạch mở rộng ra 26 tỉnh, thành phố và tiến tới tất cả các tỉnh, thành phố sẽ triển khai can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm cho các nhóm nguy cơ cao nhằm tiến tới kiểm soát và kết thúc dịch HIV tại Việt Nam.

Thuốc PrEP là các thuốc có chứa Tenofovir. Ở Việt Nam thuốc PrEP đang được các chương trình, dự án cấp miễn phí là sự kết hợp 2 loại thuốc ARV là Tenofovir và Emtricitabine (TDF/FTC).

Tác dụng bảo vệ lớn

Trao đổi với phóng viên về lợi ích của PrEP, anh N.T.D., 26 tuổi, TPHCM cho biết, do anh có quan hệ không an toàn với người đã nhiễm HIV do vậy việc tìm tới PrEP được xem như cứu cánh giúp anh loại bỏ những lo lắng về nguy cơ bệnh xâm nhập. Cũng theo D, từ khi dùng PrEP anh thấy rất an tâm vì sản phẩm hầu như ít tác dụng phụ.

Một khách hàng cũng đã sử dụng PrEP là anh T. L.T.B. 25 tuổi, TPHCM cho rằng việc sử dụng PrEP giúp bảo vệ sức khỏe của anh và người yêu phòng tránh nguy cơ nhiễm HIV. “Đặc biệt, dù lợi ích như vậy song sản phẩm lại đang được cung cấp miễn phí, người dùng không phải lo lắng về chi phí điều trị”, anh B. cho biết thêm.

Sau khi trải nghiệm PrEP hai khách hàng này đưa ra lời khuyên với những người thuộc đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV nên sử dụng PrEP nên đến các cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tại cơ sở cung cấp dịch vụ, bác sỹ sẽ tư vấn, trao đổi để biết khách hàng có nguy cơ cao bị nhiễm HIV hay không. Các khách hàng yên tâm là tất cả thông tin cá nhân của khách hàng được bảo mật.

Anh Nguyễn Văn Thuận, Phòng khám Pride Health, TPHCM chia sẻ, với các khách hàng có nguy cơ cao, bác sỹ sẽ xét nghiệm HIV. Nếu khách hàng đã nhiễm HIV thì không dùng PrEP mà cần điều trị HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, theo ông Thuận, nếu khách hàng bị viêm gan B hoặc viêm gan C thì khách hàng cần phải đến gặp bác sỹ chuyên khoa về viêm gan để tư vấn, điều trị và theo dõi.

Ngoài ra, khách hàng cũng được kiểm tra chức năng của thận (xét nghiệm), vì thận có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc PrEP. Đồng thời xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, khi ấy, nếu có thể dùng được PrEP, bác sỹ sẽ kê đơn thuốc, giải thích và hướng dẫn việc sử PrEP.

Sau cùng chuyên gia này khẳng định, hầu hết những người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số ít người có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt, đau đầu, chán ăn...Thông thường, các phản ứng phụ này chấm dứt sau một đến hai tuần. Cần gọi điện và đến gặp bác sĩ ngay nếu những biểu hiện này kéo dài và ảnh hưởng đến sinh hoạt của khách hàng.

Dương Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/nhieu-loi-ich-khi-dieu-tri-du-phong-truoc-phoi-nhiem-hiv-130867-130867.html