Nhiễu loạn thông tin quan trắc không khí: Hé lộ những điều bất ngờ

Các chuyên gia về quan trắc không khí cho biết, số liệu quan trắc giữa các hệ thống có thể lệch nhau trong sai số cho phép, quan trọng là xu thế ô nhiễm có sự tương đồng.

Trong 3 ngày qua, người dân Hà Nội đi đường đều phải bịt khẩu trang phòng chống bụi. Ảnh: Nhật Minh

Trong 3 ngày qua, người dân Hà Nội đi đường đều phải bịt khẩu trang phòng chống bụi. Ảnh: Nhật Minh

Việt Nam hiện có điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) hai điểm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ (đặt tại Láng Hạ và Phú Thượng (Hà Nội), 10 điểm quan trắc của Hà Nội, 40 điểm quan trắc của PAM Air và Airvisual (của một công ty Thụy Sỹ bán thiết bị đo chất lượng không khí, có trụ sở tại Trung Quốc).

Tổng cục Môi trường dựa trên số liệu của ba đơn vị là Tổng cục Môi trường, Đại sứ quán Mỹ và Hà Nội đưa ra thông báo hiện trạng chất lượng không khí Hà Nội những ngày qua.

Chỉ số AQI trong khoảng thời gian đêm và sáng sớm ở mức kém. Thậm chí có những giờ lên tới mức xấu (AQI lớn hơn 200, rất có hại cho sức khỏe mọi người). Đặc biệt, trong sáng các ngày 25-30/9, ghi nhận một số trạm AQI giờ đã vượt ngưỡng 200.

AQI mức xấu xảy ra tại trạm Hoàn Kiếm, Thành Công, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, trụ sở Đại sứ quán Mỹ và 556 Nguyễn Văn Cừ, thời gian ô nhiễm cao điểm nhất từ 0h-6h. Trong đó từ 27-30/9 là những ngày có nhiều trạm, nhiều giờ, AQI ở mức xấu nhất trong 2 tuần. Xu thế trên cũng tương đồng với xu thế đo được bởi hệ thống PAM Air.

Chỉ số của Airvisual có đáng tin?

Tuy nhiên, ứng dụng Airvisual lại cho kết quả mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hơn với nhiều điểm đo, ở nhiều thời gian lên ngưỡng nguy hại. Airvisual cũng thường xếp Hà Nội vào danh sách thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong các thành phố họ có dữ liệu.

Toàn cảnh khu vực Mỹ Đình, Hà Nội lúc 10h sáng 1/10.

Theo PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sự chênh lệch kết quả quan trắc trong không khí hiển thị giữa các trạm quan trắc có thể do khác nhau về địa điểm, thời gian, thiết bị đo. Quan trọng nhất là hệ thống các trạm quan trắc có sự tương đồng về xu thế ô nhiễm. Tuy nhiên, với những mức chênh lệch lớn cần có sự kiểm tra, đánh giá.

Theo chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình, Airvisual là sản phẩm của một công ty với hệ thống mạng lưới đo ở nhiều thành phố, sử dụng dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, của Đại sứ quán Mỹ và một số máy đo của khách hàng. Tuy nhiên dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, tính cập nhật không cao và nhiều điểm đo của khách hàng có tính tin cậy thấp do máy không được bảo dưỡng.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam nêu vấn đề: “Nhiều người thắc mắc tại sao Airvisual đưa số liệu rất cao, các nguồn trong nước lại thấp hơn?”. Ông giải thích, Airvisual cập nhật các điểm đo ở những thời gian khác nhau. Cụ thể, có điểm là cập nhật của giờ đó nhưng có điểm là của nhiều giờ trước, thậm chí nhiều ngày trước như đã từng xảy ra. “Tại sao lại như vậy vẫn là câu hỏi từ lâu của các chuyên gia đưa ra cho Airvisual mà chưa có lời giải đáp’, ông Tùng nói .

Tuy vậy, Tổng cục Môi trường khuyến cáo, trong khoảng thời gian này và những ngày tiếp theo, người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp hạn chế ra ngoài, hạn chế tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài nên đeo khẩu trang và kính mắt.

Tham khảo ứng dụng nào?

Chuyên gia Đào Nhật Đình khuyên người dân Hà Nội, muốn cập nhật hiện trạng ô nhiễm không khí hàng ngày nên tham khảo cùng lúc các ứng dụng của PAM Air, Airnet, Tổng cục Môi trường. Nếu cần hiểu biết rộng hơn và so sánh thế giới có thể tham khảo máy của Đại sứ quán và Lãnh sự Mỹ hay các ứng dụng khác.

Theo GS Nguyễn Thị Kim Oanh, Viện Công nghệ Châu Á, tại Thái Lan, để cung cấp thông tin chính xác cho người dân, Chính phủ cần xây dựng một ứng dụng trên di động và phiên bản web cập nhật chất lượng không khí hàng ngày. Bên cạnh hệ thống sensor đang được cả khu vực nhà nước và tư nhân cùng phát triển thì theo GS Oanh, cần thêm một số trạm cố định có độ tin cậy cao. Hiện Hà Nội có 3 trạm cố định như hiện nay là quá ít.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/nhieu-loan-thong-tin-quan-trac-khong-khi-he-lo-nhung-dieu-bat-ngo-1470403.tpo