Nhiều lo ngại về tàu tiếp vận mới của Trung Quốc trên Biển Đông

Tàu Tam Sa 2, phục vụ mục đích dân sự lẫn quân sự, có thể tiếp tế cho lực lượng đóng trên các thực thể mà Trung Quốc kiểm soát ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc mới đây đã hạ thủy một tàu tiếp vận cỡ lớn hoạt động tại Biển Đông, làm dấy lên những lo lắng rằng con tàu này sẽ được sử dụng để gia cố sức mạnh của các đảo, đá mà Trung Quốc đã quân sự hóa ở vùng biển chiến lược.

Con tàu mới mang tên "Tam Sa 2" (Sansha No. 2), được đặt theo tên của đơn vị hành chính phi pháp mà Bắc Kinh thiết lập trên Biển Đông để quản lý các thực thể mà họ chiếm đóng.

Hồi tháng 8, Tân Hoa Xã đưa tin về chuyến vận hành thử nghiệm của tàu, đi từ đảo Hải Nam đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bao trùm Biển Đông

Theo bản tin, tàu Tam Sa 2 có phạm vi hoạt động "bao trùm toàn bộ Biển Đông", phục vụ công tác dân sự lẫn quân sự.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho biết tàu mới có thể di chuyển 6.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu, và có thể chở được 400 người.

Tàu có chiều dài 128 m, lượng chiếm nước là 8.000 tấn, lớn hơn gấp đôi so với con tàu cũ (Tam Sa 1) được đưa vào sử dụng cách đây 11 năm với lượng chiếm nước 2.540 tấn.

Tàu Tam Sa 2 trong chuyến vận hành thử nghiệm hồi tháng 8. Ảnh: China News.

Tàu Tam Sa 2 trong chuyến vận hành thử nghiệm hồi tháng 8. Ảnh: China News.

Tàu Tam Sa 2 sẽ giúp Trung Quốc vận chuyển trang thiết bị đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp. Tuy nhiên, một số nhà quan sát dự đoán tàu này cũng có thể mở rộng hoạt động đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Jay Batongbacal, giáo sư tại Đại học Philippines, nói với báo chí rằng Trung Quốc đang cho các nước khác thấy nước này có thể làm được gì.

"Họ đang mở rộng khả năng trong mọi lĩnh vực", ông nói. Triển khai đến vùng tranh chấp thậm chí còn mang tính biểu tượng lớn hơn. Nó cũng quan trọng hơn đối với họ, vì họ có thể dẫn trước" các nước còn lại trong khu vực.

Theo chuyên gia Andrew Yang tại Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cấp cao Trung Hoa ở Đài Loan, tàu Tam Sa 2 có thể sẽ vận chuyển đạn dược, thực phẩm, nước ngọt và thiết bị cung cấp điện đến các thực thể mà họ kiểm soát trên Biển Đông.

Tàu mới sẽ hỗ trợ cho binh sĩ Trung Quốc đồn trú trên các thực thể này, ông Yang nói. "Họ có binh sĩ và hoạt động ở đó, vì vậy họ chắc chắn cần đến một hệ thống hỗ trợ hậu cần có năng lực lớn hơn".

"Công nghệ mới nhất"

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tiến hành bồi lấp, cải tạo, xây dựng trái phép cũng như quân sự hóa các thực thể ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã triển khai tên lửa, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom ra đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất quần đảo. Trong khi trên ba thực thể lớn ở Trường Sa (đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn), Trung Quốc đã cho xây dựng đường băng và các công trình để hỗ trợ máy bay chiến đấu, cũng như triển khai các hệ thống tên lửa.

Trung Quốc cũng dự định đưa các nhà máy điện hạt nhân nổi đến vùng biển vào năm 2020, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.

Giáo sư Batongbacal nói rằng tàu Tam Sa 2 đánh dấu "công nghệ mới nhất" của Trung Quốc. Và theo Tân Hoa Xã, nhà máy đóng hai tàu Tam Sa 1 và Tam Sa 2 cũng đang có kế hoạch đóng con tàu thứ ba để "phục vụ tốt hơn lực lượng đồn trú trên các đảo".

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng tàu Tam Sa 2 chưa chắc sẽ hữu dụng trong việc giúp Trung Quốc duy trì tiếp tế cho các đảo ở Biển Đông nếu xảy ra xung đột. Một trong những lý do là về kích cỡ, tàu này vẫn khá nhỏ so với các tàu vận tải quân sự, theo tạp chí chuyên về chính trị - an ninh châu Á The Diplomat.

Bên trong buồng lái tàu Tam Sa 2. Ảnh: China News.

Nếu so sánh, Tam Sa 2 nhỏ hơn một tàu khu trục của Mỹ vốn có chiều dài hơn 152 m và lượng chiếm nước khoảng 9.000 tấn. Các tàu vận tải hàng hóa của hải quân Mỹ thường có lượng chiếm nước khoảng 40.000 tấn.

Theo The Diplomat, thứ quan trọng hơn cần theo dõi ở Biển Đông là các tàu tiếp vận của hải quân Trung Quốc.

Trong thời chiến, các tàu chở hàng Type 904 của Trung Quốc, vốn có kích thước lớn gấp đôi tàu Tam Sa 2, sẽ có thể là lực lượng chính làm nhiệm vụ tiếp tế cho các tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Hải quân Trung Quốc đang vận hành 5 tàu hậu cần loại này trong biên chế Hạm đội Nam Hải và sẽ đóng chiếc thứ sáu. Nếu những con tàu này bắt đầu di chuyển hoặc nếu Trung Quốc đóng thêm tàu, đây sẽ là chỉ dấu quan trọng hơn về hoạt động và ý đồ của Trung Quốc tại khu vực.

Đông Phong

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhieu-lo-ngai-ve-tau-tiep-van-moi-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-post992150.html