Nhiều lỗ hổng trong thực hiện hợp đồng đối tác công tư

HĐND TP.HCM nhận định chính quyền thành phố chưa đưa ra được giải pháp cho những vướng mắc của các dự án PPP, chưa có quy trình cụ thể với từng loại hợp đồng đối tác công tư.

Ngày 3/7, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phan Thị Thắng chủ trì buổi tổng kết chương trình giám sát của HĐND TP.HCM về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý đầu tư đối với các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn.

Phó chủ tịch HĐND TP.HCM nhận định chính quyền thành phố chưa đưa ra được giải pháp tốt nhất cho những vướng mắc của nhà đầu tư lẫn cơ quan công quyền trong thực hiện các dự án theo hình thức PPP, đặc biệt là hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao).

"HĐND đã có nghị quyết về chuyển đổi các dự án đầu tư công sang hình thức đối tác công tư; tuy nhiên, nhìn lại toàn nhiệm kỳ, chưa có dự án nào được chuyển đổi. Sau 5 năm, thành phố cũng chưa ban hành được quy trình đối với từng loại hợp đồng PPP, chưa có quỹ đất công dành riêng cho các dự án BT", bà Phan Thị Thắng nhận xét.

 Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phan Thị Thắng tại buổi làm việc với UBND TP.HCM. Ảnh: Quang Huy.

Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phan Thị Thắng tại buổi làm việc với UBND TP.HCM. Ảnh: Quang Huy.

Trưởng đoàn giám sát của HĐND TP.HCM yêu cầu lãnh đạo chính quyền thành phố cần sớm giải quyết những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Bà cho rằng việc thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư hiện còn chậm dẫn đến gia tăng tình trạng thất thoát chi phí của Nhà nước, chậm tiến độ của chủ đầu tư dự án.

"Qua chương trình giám sát, HĐND nhận thấy nhiều vấn đề đã bàn 1-2 năm vẫn chưa thể giải quyết. Trong giai đoạn này, chúng ta không thể vì bất kỳ lý do gì mà ngừng lại các hợp đồng đã ký, gây khó khăn cho nhà đầu tư, đề nghị UBND TP tháo gỡ nhanh chóng những vướng mắc này", Phó chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị.

Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM cũng yêu cầu UBND TP báo cáo tổng kết những dự án PPP đã thực hiện để có lộ trình kêu gọi đầu tư trong 5 năm tới. Khi thực hiện công trình, cơ quan phụ trách cần đảm bảo việc quy hoạch các tuyến đường phụ trợ bằng hình thức xã hội hóa để đảm bảo tính hiệu quả của dự án về lâu dài.

Tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng đưa ra nhiều bất cập trong thực hiện các dự án theo hình thức PPP. Đặc biệt, ông dẫn ví dụ về việc các dự án được nhà đầu tư tự đề xuất thì họ sẵn sàng tham gia; tuy nhiên, dự án do Nhà nước đề xuất thì hầu như không có nhà đầu tư nào "mặn mà".

"Có phải chúng ta đã đưa ra món hàng nhưng không đủ hấp dẫn, không cho nhà đầu tư thấy sẽ có lợi ích đôi bên", ông Hoan nói.

Dự án BOT cầu Phú Mỹ vướng nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện. Ảnh: Lê Quân.

Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP.HCM nêu thực trạng nhà đầu tư thực hiện các dự án BT chủ động chọn phần đất hoán đổi khiến chính quyền khó quyết định. Có hiện tượng nhà đầu tư thực hiện dự án ở vùng ngoại ô nhưng lại chọn đất đối ứng ở khu vực trung tâm thành phố.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá việc thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư có ưu điểm là giảm gánh nặng cho ngân sách khi kêu gọi được nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp. Tuy nhiên, với vai trò là địa phương đi đầu trong hình thức đầu tư này, TP.HCM còn gặp nhiều vướng mắc cả về quy định pháp luật và công tác quản lý.

"Việc thực hiện dự án theo hình thức PPP đã có quy định đầy đủ, công khai, minh bạch trong lựa chọn, thanh toán, quyết toán, nhưng khi đi vào thực tiễn không dễ dàng. Các khâu trong quy trình, giai đoạn đó đều có những lỗ hổng về pháp lý cần phải hoàn thiện thêm", Phó chủ tịch UBND TP.HCM trả lời đoàn giám sát của UBND TP.HCM.

Quang Huy - Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-lo-hong-trong-thuc-hien-hop-dong-doi-tac-cong-tu-post1102383.html