Nhiều lỗ hổng trong sát hạch, cấp bằng lái xe

Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần đây trên cả nước khiến người dân lo lắng, bất an. Đáng lưu ý, vấn đề về chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Để đảm bảo chất lượng bằng lái xe, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các đơn vị tổng kiểm tra đột xuất các trung tâm sát hạch, đào tạo lái xe, đăng kiểm và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Hệ thống giám sát thực hành thi bằng lái ô tô.

Hệ thống giám sát thực hành thi bằng lái ô tô.

80% số vụ tai nạn giao thông do lái xe

Phân tích của Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, trên 80% các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trong thời gian qua là do lỗi của người điều khiển phương tiện.

Những hành vi người tham gia giao thông thường mắc là không đội mũ bảo hiểm (chiếm 24%), chạy quá tốc độ quy định (10,5%), vi phạm về nồng độ cồn (6,4%), đi không đúng phần đường, làn đường (4,11%), dừng đỗ không đúng quy định (6,5%), không có giấy phép lái xe (7,5%)… Điều này đặt ra nhiều dấu hỏi về chất lượng trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Lực lượng công an cũng đã điều tra, xử lý một số vụ nghiêm trọng. Công an Sơn La bắt giữ 7 đối tượng thuộc Trung tâm Sát hạch và Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 1, thuộc Sở GTVT Sơn La đã câu kết với 2 đối tượng bên ngoài lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong tổ chức sát hạch giấy phép lái xe.

Công an Đắk Lắk đã phát hiện 50 giáo viên ở 5 trường, cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn sử dụng bằng tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT giả để làm hồ sơ làm giáo viên dạy lái xe ô tô.

Hay tại tỉnh Đồng Nai, Thanh tra Bộ GTVT cho biết, kết quả thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ tại một số cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe ô tô trên địa bàn cho thấy vẫn còn nhiều vi phạm.

Trong đó, vi phạm nhiều nhất là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chưa đảm bảo so với quy định. Những hạn chế như: trong sân tập lái của cơ sở đào tạo lái xe, một số hình tập bố trí chung với đường nội bộ của đơn vị, không đảm bảo an toàn khi tập lái xe.

Với tỉnh Bình Dương, việc sát hạch lỏng lẻo cũng được Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra: số lượng người làm việc trong phòng sát hạch lý thuyết nhiều hơn số người theo hướng dẫn thực hiện quy trình sát hạch lái xe mô tô và ô tô của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Đặc biệt, trong kết luận Thanh tra số 5899/KL-BGTVT đã nêu một số đơn vị có hợp đồng đào tạo lái xe với nội dung không phù hợp như: trích dẫn thông tin của giấy phép đào tạo lái xe không đúng hoặc căn cứ vào giấy phép đào tạo lái xe hết giá trị sử dụng, địa điểm học thực hành không có tuyến đường tập lái, thời gian đào tạo không đúng với kế hoạch đào tạo; từ đó đề xuất xử phạt hành chính những trường hợp vi phạm.

Dễ dàng lách luật

Rõ ràng, công tác đào tạo, sát hạch GPLX đang có vấn đề với nhiều vi phạm, nên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho rằng, công tác quản lý đào tạo lái xe không đáp ứng được yêu cầu, chạy theo giá trị thiếu chuẩn mực (cạnh tranh giá học phí, theo dõi thời gian học lỏng lẻo, nhiều người không muốn học nhưng lại muốn có giấy phép...).

Trong bài thi cấp GPLX thì lỗi dẫn đến không đạt nhiều nhất là lỗi trên sa hình, nhưng lỗi này không phải là lỗi chính dẫn đến TNGT. Trong khi nội dung quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ TNGT là kỹ năng đi trên đường thì việc sát hạch đường trường lại rất ít bị trượt, rất cảm tính.

Còn một vấn đề rất đáng lưu ý là qua thực tế công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lực lượng CSGT tại các Phòng CSGT của tất cả các địa phương trong cả nước hiện đang lưu giữ hàng trăm nghìn GPLX nhưng không có người đến nhận.

Thống kê trong 2 năm gần đây cho thấy, có tổng số 159.515 hồ sơ liên quan đến tạm giữ, tước GPLX bị tồn đọng mà người vi phạm không đến xử lý, không đến nhận. Nhiều địa phương tồn tại hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn GPLX như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An...

Với hàng trăm nghìn GPLX tồn đọng, chắc chắn hơn 100 nghìn người vi phạm không phải ai cũng bỏ luôn việc lái xe, thậm chí, có thể tất cả trong số họ vẫn tiếp tục lái xe. Tuy nhiên, lý do họ không đến nhận vì việc làm lại, thi lại giấy phép lái xe quá dễ dãi, số tiền bỏ ra để xin cấp lại, thi lại ít hơn số tiền họ bị nộp phạt nên họ sẵn sàng “lách luật” để có bằng lái mới.

Từ thực trạng trên cho thấy, công tác đào tạo, sát hạch lái xe vẫn tồn tại những lỗ hổng lớn đòi hỏi các cơ quan quản lý cần sớm có các biện pháp quyết liệt chấn chỉnh.

Hạnh Nhân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhieu-lo-hong-trong-sat-hach-cap-bang-lai-xe-491216.html