Nhiều lỗ hổng trong quản lý, đào tạo người lái phương tiện thủy nội địa

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành kết luận thanh tra về công tác đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

Điều đáng chú ý, nhìn vào kết luân có thể thấy, trong nhiều năm, dù Bộ GTVT đã có nhiều chỉ đạo về việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, trong đó đặc biệt chú ý đến vấn đề thuyền viên và người lái, thì ngay từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, các chi cục đã để xảy ra nhiều “lỗ hổng” trong quản lý; tiếp đó, là sự “buông lỏng”của không ít cơ sở đào tạo...

“Buông lỏng” việc cấp phôi giấy chứng nhận, cấp giấy phép đào tạo

Theo kết luận thanh tra, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐVN) có trách nhiệm và thông báo công khai trên Trang thông tin điện tử về danh sách các cơ sở đào tạo thuyền viên và cấp chứng chỉ chuyên môn.

Thế nhưng, tại thời điểm kiểm tra từ tháng 12-2017 đến tháng 3-2018, đoàn kiểm tra nhận thấy có tới 5/6 cơ sở đào tạo được Sở GTVT chấp thuận chưa được thông báo công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục ĐTNĐVN.

Cùng đó, Cục ĐTNĐVN cũng chưa có văn bản phân cấp, ủy quyền cụ thể đối với các chi cục trong việc giám sát khác kỳ thi, kiểm tra cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn.

Việc đào tạo người lái phương tiện thủy nội địa nếu không được siết chặt khó đảm bảo ATGT.

Cục ĐTNĐVN còn chưa lập sổ theo dõi việc cấp phôi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Về số lượng giấy chứng nhận được cấp, theo báo cáo có 27 có sở đào tạo được Cục ĐTNĐVN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động, nhưng bên cạnh đó cũng có 1 cơ sở đào tạo là Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Long được cấp giấy chứng nhận từ tháng 6-2016 lại không tổ chức đào tạo trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận, nhưng chưa bị thu hồi.

Chưa dừng lại, đoàn thanh tra kiểm tra xác suất một số hồ sơ cấp giấy chứng nhận của Cục ĐTNĐVN, thì nhận thấy hồ sơ cấp cho Chi nhánh Dạy nghề - Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ Hà Nam có vùng nước thực hành là không đúng quy định; cầu tàu thuê của Công ty TNHH Vận tải thủy nội địa và xếp dỡ Châu Sơn có chiều dài 11m cũng không đúng quy định.

Tại hồ sơ giấy chứng nhận cấp cho Trung tâm Dạy nghề số 1 thì cơ sở vật chất không hề có cầu tàu phục vụ dạy thực hành; các phương tiện không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc giấy hết hạn... Thậm chí, trong khâu ký kết chấp thuận liên kết đào tạo giữa Cục ĐTNĐVN và một số đơn vị khác, cũng bộc lộ tồn tại.

Cụ thể, biên bản thẩm định ngày 7-6-2016 của Cục ĐTNĐVN có nội dung là thẩm định cơ sở vật chất của HTX GTVT huyện Lý Sơn, nhưng trong biên bản không có thành phần, không có chữ ký của đại diện HTX GTVT huyện Lý Sơn (đơn vị được thẩm định).

Hay biên bản thẩm định ngày 6-6-2016 của Cục ĐTNĐVN, nội dung thẩm định cơ sở vật chất của Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Khánh Hòa, nhưng trong biên bản không có thành phần, không có chữ ký của đại diện Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Khánh Hòa...

Cơ sở đào tạo thiếu từ thiết bị tối thiểu đến xưởng thực hành

Một điều rất đáng chú ý được đưa ra trong kết luận thanh tra là tại thời điểm kiểm tra với hơn 30 cơ sở đào tạo đều được cơ quan có thẩm quyền thành lập hoặc công nhận thành lập, có chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề và có giấy chứng nhận cơ sở dạy nghề đủ điều kiện hoạt động do Cục ĐTNĐVN cấp còn hiệu lực.

Thế nhưng, khi đi kiểm tra thực tế, đoàn thanh tra vẫn phát hiện, thiết bị tối thiểu tại một số phòng học của Trường Cao đẳng GTVT Trung ương VI chưa được bố trí khoa học, các báo hiệu đường thủy nội địa chưa được thay thế theo đúng quy định; xưởng thực hành tại Trung tâm Dạy nghề Hàng Giang thiếu mô hình động cơ tàu thủy tại phòng học Máy-Điện; hệ thống lái điện thủy lực chưa được bố trí đúng phòng học.

Chưa dừng lại, trong số 6 cơ sở đào tạo được kiểm tra trực tiếp khu vực dạy thực hành lái và vận hành máy thì có 2/6 cơ sở không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận vùng nước để dạy thực hành và vận hành máy phương tiện thủy nội địa là Trường Cao đẳng GTVT Trung ương VI và Trường Cao đẳng Hàng hải II.

Thậm chí tại Trung tâm Dạy nghề Hàng Giang, vùng nước để dạy thực hành lái không được lắp phao báo hiệu vùng nước bờ trái theo quy định, không có khu vực luồng chạy tàu thuyền được lắp đặt những báo hiệu cần thiết để người học thực hành... Cũng ở trung tâm này, đoàn thanh tra còn phát hiện đơn vị đã sử dụng bến khách ngang sông để dạy nghề từ hạng nhì trở lên là chưa phù hợp, chưa có cầu tạm để dạy nghề thuyền trưởng hạng 3, thuyền trưởng hạng 4...

Mặt khác, liên quan đến giáo trình giảng dạy, tại hầu hết các cơ sở đào tạo đều chưa có tài liệu chứng minh việc sử dụng giáo trình do Cục ĐTNĐVN ban hành. Đáng lo hơn, khi kiểm tra xác suất một số bài thi, bài kiểm tra trắc nghiệm lý thuyết đang lưu trữ tại các cơ sở đào tạo, đoàn thanh tra cũng phát hiện nhiều bài kiểm tra có cùng một kiểu chữ viết, các bài kiểm tra không có chữ ký của thí sinh, bài thi được chấm điểm không chính xác.

Nguyên nhân xảy ra các tồn tại và sai sót nói trên, theo đánh giá từ đoàn thanh tra là do số lượng phương tiện thủy nội địa phân bố không đồng đều theo địa giới hành chính, các cơ sở đào tạo hoạt động kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa tối đa lợi nhuận nên dẫn đến các sai phạm trong quá trình thực hiện đào tạo.

Thậm chí, công tác kiểm tra, giám sát cũng chưa đươc thực hiện thường xuyên chặt chẽ; Cục ĐTNĐVN, Chi cục chưa giám sát được các kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ chuyên môn tại các cơ sở đào tạo. Từ đó, Đoàn thanh tra cũng yêu cầu Cục ĐTNĐVN kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra tồn tại, sớm thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của một loạt đơn vị đào tạo...

Phạm Huyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/nhieu-lo-hong-trong-quan-ly-dao-tao-nguoi-lai-phuong-tien-thuy-noi-dia-484931/