Nhiều lỗ hổng để thực phẩm bẩn chui vào trường học

Trong những ngày vừa qua, liên tục diễn ra những vụ việc về thực phẩm 'bẩn' trong nhà trường. Điều này khiến nhiều phụ huynh bức xúc, lo lắng.

Phụ huynh trường Tiểu học Lý Nhân (Vĩnh Tường- Vĩnh Phúc) phát hiện số rau, trứng, hoa quả trên xe này đã bị thối, hư hỏng. Ảnh: S.T.

Giòi trong suất ăn

Vừa qua, một số phụ huynh đứng đón con ở cổng trường Tiểu học Lý Nhân (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đã phát hiện một chiếc xe ba gác chở rau, quả, thức ăn vào trong trường để phục vụ bữa ăn trưa cho các học sinh học bán trú tại đây. Qua tìm hiểu, những phụ huynh này phát hiện thấy số rau, trứng, hoa quả trên xe này đã bị thối, hư hỏng nên đã bắt giữ chiếc xe này lại đồng thời thông báo chính quyền địa phương. Tại Hà Nội, trong bữa ăn trưa ngày 12/9, các em học sinh lớp 3D trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám đã phát hiện có nhiều con giòi xuất hiện trên hai đĩa ăn. Sau đó, một nhóm phụ huynh đã lên gặp đại diện nhà trường để làm rõ vụ việc. Nhà trường thừa nhận có vụ việc trên và giải thích là không phải do nguồn thực phẩm có vấn đề mà do công đoạn rửa bát không sạch sẽ, hai đĩa bị dính vào nhau và để qua ngày thứ 7, Chủ nhật nên phát sinh ra giòi.

Trước sự việc này đã khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng an toàn thực phẩm trong các trường học. Chị Nguyễn Thị Bích (Hà Đông- Hà Nội) có con đang học mầm non chia sẻ: “Do học mầm non nên con phải ăn bán trú ở trường và nhà trường cũng kê thực đơn ăn theo ngày. Tuy nhiên, việc xảy ra ở Vĩnh Phúc vừa qua tôi luôn có cảm giác lo lắng về thực phẩm con ăn ở trường, mặc dù nhà trường cũng cam kết với phụ huynh sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm”. Trong những ngày qua, chị Trần Thị Phượng (Xuân Đỉnh- Hà Nội) luôn có giác lo lắng về thực phẩm được chế biến trong trường học. Chị Phượng chia sẻ: “Hiện nhiều thực phẩm kém chất lượng được bán ở khắp các chợ, các bà nội trợ không chú ý cũng có thể mua phải những thực phẩm không đảm bảo an toàn. Do đó, nhà trường nếu không kiểm soát chặt chẽ quy trình từ thu mua thực phẩm đến chế biến thức ăn ở trường thì học sinh cũng sẽ dễ bị ngộ độc thực phẩm”. Tương tự, chị Trần Thị Thu Thủy (Đống Đa- Hà Nội) cho biết: “Gia đình tự mua thực phẩm, tự nấu cho con ăn mà nhiều khi vẫn lo nơm nớp vì sợ mua phải thực phẩm nhiễm hóa chất, làm sao mà yên tâm được khi cho con ăn ở bếp ăn tập thể?”.

Trách nhiệm của nhà trường

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều trường đã phải đưa ra các quy trình kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, có một số thực phẩm các trường cũng gặp khó khăn trong khâu kiểm soát. Ông Nguyễn Thành Đoàn, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoàng Gia (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi rất lo ngại những thực phẩm bẩn tuồn vào trường học. Để tránh tình trạng này nhà trường đã phải tìm những đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín để ký hợp đồng”. Theo ông Đoàn, để kiểm tra nguồn gốc thực phẩm đưa vào trường học, nhà trường chỉ có thể tăng cường kiểm tra đột xuất các đơn vị cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, đối với thịt, cá và những thực phẩm tươi sống khác, nhà trường có thể yêu cầu đơn vị cung cấp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, riêng đối với rau xanh cũng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề kiểm soát nguồn gốc.

Bà Lê Thị Chính, Hiệu trưởng trường Phổ thông quốc tế Newton (Hà Nội) cũng khẳng định: “Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là nỗi lo hàng ngày của tất cả các trường. Đối với trường Phổ thông quốc tế Newton tất cả cán bộ nhà trường và học sinh đều ăn trưa tại trường, do đó nguồn thực phẩm cung cấp vào trường phải được kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo có bữa trưa an toàn”.

Theo bà Chính, để đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học, trước khi ký hợp đồng với bên cung cấp thực phẩm thì nhân viên nhà trường phải kiểm tra thực địa- nơi sản xuất của các doanh nghiệp. Đồng thời, hàng ngày đúng 6 giờ 30 phút nhân viên hậu cần nhà trường sẽ kiểm tra nguồn thực phẩm được vận chuyển từ bên cung cấp đến trường. Đồng thời, kiểm tra chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của các đơn vị này. “Mọi thực phẩm được đưa vào trường đều được kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Chính khẳng định.

Tại Hội thảo “Trường học nói không với thực phẩm bẩn” do Báo Giáo dục Việt Nam tổ chức, Đại úy Phạm Thế Anh - Phòng Cảnh sát môi trường (PC49 - Công an Thành phố Hà Nội) cho biết: Theo điều tra cơ bản, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 912 trường mầm non và 714 trường tiểu học, hầu hết các trường thuộc diện này đều có bếp ăn tập thể phục vụ các cháu học sinh. Phần lớn các trường đều chọn đơn vị thứ 3 là các công ty cung cấp suất ăn cho các em học sinh và giáo viên nhà trường. Điều này tạo thuận lợi trong cung cấp bữa ăn nhưng lại gây khó khăn cho việc kiểm soát thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không nên sẽ rất khó xác định trách nhiệm khi xảy ra ngộ độc.

Để giải quyết vấn đề này, Đại úy Phạm Thế Anh cho rằng, Ban giám hiệu nhà trường cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tuyển chọn các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn. Nhà trường cần thường xuyên cử cán bộ nhà trường giám sát, đôn đốc việc nhập hàng thực phẩm, sơ chế và chế biến tại các bếp ăn của trường. Ngoài ra, nhà trường cần phối hợp với gia đình trong việc kiểm tra giám sát các đơn vị cung cấp suất ăn sẵn để hạn chế các vụ việc đáng tiếc.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhieu-lo-hong-de-thuc-pham-ban-chui-vao-truong-hoc.aspx