Nhiều lỗ hổng CNTT ở các nhà trường

Hiện nay, trường học nào cũng có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin như máy tính ở các phòng dạy tin học, máy tính ở các phòng làm việc của ban giám hiệu, nhân viên… hệ thống máy chủ, camara quan sát, Wi-Fi phát sóng công cộng cùng với đó là hệ thống có sở dữ liệu rất nhiều của các phần mềm như quản lý công văn, điểm số, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện, thiết bị, trang web, sổ liên lạc điện tử… Nói rộng ra trong toàn ngành thì hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin này không hề nhỏ. Tuy nhiên, lỗ hổng của cơ sở hạ tầng này ở các nhà trường rất lớn.

Lý do là, phần lớn số cơ sở này đều sử dụng phần mềm trên hệ thống không có bản quyền hoặc phần mềm miễn phí được các doanh nghiệp tài trợ, ít khi được nâng cấp. Để có một trang web phục vụ việc dạy và học, nhà trường thường thuê các công ty thiết kế web làm với giá từ 3 đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức giá khá bèo này các công ty thiết kế web thường sử dụng các mẫu web đã có sẵn, chỉ sửa sơ lại giao diện hoặc sử dụng các phần mềm nguồn mở để tạo ra… điều này khiến độ bảo mật của trang web rất kém, dễ dàng bị đánh sập. Ở nhiều trường, thầy cô dạy môn Tin học được (và bị) giao cho việc làm ra trang web của trường với các công cụ miễn phí, nên độ an toàn chắc chắn không cao. Tương tự, hệ thống sổ liên lạc điện tử của các trường hiện nay, ví dụ ở Quảng Ngãi, là của các đơn vị cung cấp dịch vụ theo kiểu miễn phí. Vì vậy, một đơn vị có thể sẽ cung cấp cho nhiều trường học khác nhau và cơ sở dữ liệu của hệ thống chính là cơ sở dữ liệu của nhiều trường chứ không phải duy nhất một trường nên đôi khi độ an toàn sẽ không chắc chắn, đặc bị khi hệ thống bị hack thì kéo theo hàng loạt trường sẽ bị lộ hoặc mất hết thông tin.

Trường sử dụng rất nhiều phần mềm không có bản quyền nhưng không có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin nên thật khó tránh khỏi chuyện hệ thống vào một lúc nào đó bị tấn công.

Văn Thi Hoàng (Quảng Nam)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279918/nhieu-lo-hong-cntt-o-cac-nha-truong-.html