Nhiều lô hàng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do mất điện

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trong Khu công nghiệp (KCN) Giang Điền (H.Trảng Bom) đang gặp khó khăn vì tình trạng mất điện thường xuyên do lưới điện quá tải. Mất điện đột xuất trong lúc máy móc đang hoạt động khiến nhiều lô hàng của DN bị hủy hoặc không đạt yêu cầu.

Khu công nghiệp Giang Điền có một số nhà máy đang gặp khó khăn do nguồn cung cấp điện không đáp ứng đủ. Ảnh: H.Giang

Khu công nghiệp Giang Điền có một số nhà máy đang gặp khó khăn do nguồn cung cấp điện không đáp ứng đủ. Ảnh: H.Giang

KCN Giang Điền được thành lập từ năm 2008, với tổng diện tích hơn 529ha. Đến nay, KCN thu hút gần 50 DN đầu tư nhà máy để sản xuất trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử và linh kiện…

* Mất điện làm thiệt hại nhiều lô hàng

Thời gian qua, nhiều DN trong KCN Giang Điền đã kiến nghị với Ban Quản lý các KCN Đồng Nai về tình trạng lưới điện thường xuyên bị quá tải và gây mất điện đột xuất nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Vì có những công ty, máy móc tự động, hàng hóa sản xuất theo dây chuyền nên khi mất điện đột ngột, nguyên lô sản phẩm đang sản xuất sẽ phải hủy hoặc kém chất lượng phải mất thời gian tái chế lại từ đầu.

Trưởng phòng Kế hoạch Công ty hữu hạn Cơ khí động lực Toàn Cầu Nguyễn Văn Tiếp cho biết: “Công ty chuyên sản xuất các loại dao và nhiều khâu được tự động hóa nên khi điện bị cúp giữa chừng không có sự chuẩn bị từ trước thì hầu hết sản phẩm đang trên dây chuyền sản xuất sẽ phải bỏ. Sau khi điện có lại, công ty phải mất nhiều thời gian để cài đặt lại máy móc rồi mới sản xuất tiếp. Có những ngày mất điện từ 2-4 lần, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho công ty”.

Hệ thống điện bị quá tải đã diễn ra nhiều năm ở KCN Giang Điền và đây cũng là nỗi lo lắng nhất của các DN. Do đó, các DN mong muốn tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ kịp thời để không ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy.

Giám đốc Nhà máy Chế biến thực phẩm thuộc Công ty TNHH Olam Việt Nam Gokul chia sẻ: “Mỗi khi điện bị mất đột xuất, công ty phải mất từ 1-2 tiếng để đưa hàng hóa từ trong các máy ra rồi mới hoạt động trở lại. Tình trạng này diễn ra nhiều lần trong tháng gây ảnh hưởng đến tiến độ các đơn hàng của nhà máy, đồng thời chi phí sản xuất cũng bị đẩy lên cao”.

Trong các KCN, yêu cầu hàng đầu của các DN khi đầu tư vào là hạ tầng điện, nước phải đảm bảo, vì các nhà máy đa số được tự động hóa ở nhiều khâu. Trong đó, có nhiều sản phẩm đòi hỏi rất cao về quy trình sản xuất, xảy ra sự cố về điện sẽ gây thiệt hại lớn cho DN, về lâu dài tình trạng trên không được cải thiện sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

* Nguyên nhân từ bồi thường giải phóng mặt bằng

Từ tháng 2-2016, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã tiến hành đầu tư Trạm biến áp 110kV ở KCN Giang Điền để cung cấp đủ điện cho các công ty đang hoạt động trong khu vực trên. Thế nhưng, do chưa có mặt bằng để thi công các cột điện nên công trình hiện vẫn còn dở dang chưa thể kéo dây. Khu vực vướng do bồi thường giải phóng mặt bằng xử lý chưa xong có hơn 20 hộ dân thuộc địa bàn H.Trảng Bom và TP.Biên Hòa.

Theo bà NGUYỄN THỊ HẠNH, Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Phát triển KCN (Sonadezi), Tổng giám đốc Công ty CP Sonadezi Giang Điền (công ty đầu tư hạ tầng KCN Giang Điền), công ty nhận được phản ảnh của một số công ty về tình trạng lưới điện quá tải dẫn đến tình trạng mất điện đột xuất gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các DN. Những khó khăn trên đã được công ty tổng hợp, kiến nghị Ban Quản lý các KCN Đồng Nai và tỉnh để sớm có giải pháp khắc phục, đảm bảo hoạt động sản xuất cho các DN trong KCN Giang Điền.

Phó trưởng phòng Quản lý công trình Điện 1 của Ban Quản lý dự án Điện lực miền Nam Hồ Tường Huân cho biết: “Ban đã nhiều lần đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai có giải pháp hỗ trợ giải quyết nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng để thi công các trụ điện và kéo dây, cung cấp điện cho các nhà máy trong KCN Giang Điền. Tuy nhiên, nhiều năm nay, việc bồi thường chưa xong nên công trình vẫn còn dang dở, gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp điện cho KCN. Nếu có mặt bằng, Ban quản lý dự án sẽ hoàn tất công trình trong thời gian ngắn nhất”.

Qua tìm hiểu, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chủ yếu khúc mắc ở giá bồi thường, do các hộ dân bị thu hồi đất cho rằng giá đền bù thấp nên chưa nhận tiền và giao đất. Các trường hợp trên tập trung ở các phường Tam Phước, Phước Tân của TP.Biên Hòa.

Mới đây, Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong đã có văn bản số 3524/SCT-KT&NL gửi UBND tỉnh báo cáo tình hình đầu tư xây dựng công trình Trạm biến áp 110kV Giang Điền và đường dây đấu nối. Trong đó nêu rõ, do vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng nên Trạm biến áp 110kV không thể đấu nối, không đảm bảo cung cấp điện mới và tăng công suất cho các nhà máy đầu tư trong KCN Giang Điền.

Theo đó, Sở Công thương đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo H.Trảng Bom tổ chức lực lượng hỗ trợ bảo vệ thi công kéo dây đoạn từ trụ 29-36. Với TP.Biên Hòa, rà soát hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan để tổ chức vận động người dân đồng ý để xây dựng công trình. Đồng thời, các sở, ngành liên quan hỗ trợ nhanh việc tính toán bồi thường phù hợp cho các hộ dân bị thu hồi đất. Trong thời gian công trình Trạm biến áp 110kV chưa đưa vào vận hành sử dụng, đề nghị Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai có phương án cung cấp điện ổn định cho các DN trong KCN Giang Điền.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202206/nhieu-lo-hang-cua-doanh-nghiep-bi-anh-huong-do-mat-dien-3123246/