Nhiều lãnh đạo BVĐK tỉnh Hòa Bình bị đề nghị truy tố bổ sung

Chiều 5-6, TAND TP Hòa Bình đã ra phán quyết về vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình. Chủ tọa phiên tòa đã ra quyết định rút hồ sơ để điều tra bổ sung, truy tố và làm rõ trách nhiệm của một số lãnh đạo bệnh viện có liên quan đến vụ việc…

Kết thúc 12 ngày xét xử

Tại phiên tòa, chủ tọa Nghiêm Xuân Anh đã đọc quyết định đề nghị rút hồ sơ để điều tra bổ sung. "Để không làm oan và bỏ lọt tội phạm, căn cứ kết quả xét hỏi, tranh luận phiên tòa, tòa quyết định trả hồ sơ vụ án hình sự cho Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình để điều tra làm rõ chứng cứ buộc tội với bị cáo Hoàng Công Lương.

Luật sư Nguyễn Danh Huế trả lời sau khi tòa tuyên án.

Cụ thể xác định nhiệm vụ của bị cáo Lương trong việc ra y lệnh chạy thận ngày 29-5-2017. Trước khi ra y lệnh cho chạy thận, bị cáo Lương có báo cáo cho lãnh đạo Khoa Hồi sức tích cực không?

Có ai thông báo cho bị cáo Lương biết hệ thống lọc nước an toàn cho chạy thận không? Làm rõ lời khai của bị cáo Lương và người làm chứng về việc bị cáo Lương có được phân công phụ trách đơn nguyên thận không?", ông Nghiêm Xuân Anh khẳng định.

Ngoài ra, tại phiên tòa, vị chủ tọa cũng cho biết sẽ truy tố bổ sung ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình (nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực khi sự việc xảy ra) và ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng Vật tư) để làm rõ tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Xem xét trách nhiệm cựu Giám đốc bệnh viện, ông Trương Quý Dương và Công ty Thiên Sơn trong việc ký hợp đồng, có hay không thỏa thuận giữa hai bên về số tiền chạy thận, làm rõ trách nhiệm đối với các khoản thu nộp ngân sách giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn. Sau lời đề nghị này, tiếng vỗ tay của người xem đã át cả tiếng của chủ tọa phiên tòa.

Tiếp đó, chủ tọa cho biết sẽ điều tra trách nhiệm với bác sĩ Nguyễn Mạnh Ninh, Phạm Thị Huyền và điều dưỡng Đỗ Thị Điệp, Nguyễn Thu Hằng liên quan đến việc cho chạy lọc thận và bàn giao hệ thống nước RO sau khi sửa chữa.

Điều tra trách nhiệm đối với ông Hoàng Đình Khiếu, Đinh Tiến Công, Hoàng Công Tình về việc ghi thêm sổ giao ban trách nhiệm cho bị cáo Hoàng Công Lương vào cuối năm 2015 và 2016.

Ngoài ra, kiến nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế về việc ban hành 2 Văn bản 4342 gửi cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hòa Bình) và Văn bản số 2322 gửi Công ty Luật Nguyễn Chiến có mâu thuẫn về quy trình xét nghiệm AAMI.

Trách nhiệm của Bộ Y tế với việc chậm các ban hành hướng dẫn quy trình chạy thận nhân tạo, trong đó có hệ thống nước RO. HĐXX cũng kiến nghị xem xét trách nhiệm kiểm tra giám sát của Sở Y tế Hòa Bình trong việc chạy thận tại BVĐK Hòa Bình.

"Làm sạch" ngành Y

Sau phiên tòa, mặc dù phán quyết của HĐXX được nhiều người dân ủng hộ, nhưng các luật sư cũng nêu ra các vấn đề bất cập cần giải quyết để đảm bảo cho phiên tòa tiếp theo được công khai minh bạch, đảm bảo tính khách quan.

Luật sư Nguyễn Danh Huế, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết: "Tôi nghĩ rằng phiên tòa ngày hôm nay, đặc biệt phán quyết của tòa thể hiện sự dân chủ, khách quan, thượng tôn pháp luật.

Những gì luật sư đưa ra tại phiên tòa như các chứng cứ, dựa vào kết quả tranh luận thì đã được HĐXX ghi nhận. Những vấn đề cơ bản của tòa được nói lên rất rõ, đầu tiên đó việc vi phạm quan trọng trong quá trình điều tra được chỉ ra rất rõ.

Phán quyết của tòa phù hợp với diễn biến trong phần tranh tụng và đáp ứng được sự mong mỏi của xã hội. Tôi đánh giá cao việc HĐXX có kiến nghị xem xét về việc cấp phép chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, đồng thời xem xét trách nhiệm của Sở Y tế Hòa Bình về thanh kiểm tra giám sát, cũng như xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế về các công văn trả lời của luật sư và cơ quan điều tra, giám sát ban hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực y tế".

Nói về những gì cần chuẩn bị trong phiên tòa sắp tới, luật sư Huế cho biết trong phiên tòa sắp tới, với danh nghĩa luật sư tham gia vụ án, ông sẽ có kiến nghị gửi Bộ Công an để Bộ vào cuộc điều tra vụ án.

Ngoài ra, nhận xét về vụ việc, luật sư Huế nói: "Đây là một sự cố hết sức nghiêm trọng của ngành Y, để làm rõ sự oan khuất của các nạn nhân và làm nguôi ngoai nỗi đau của gia đình, các luật sư đều đồng ý với quan điểm của HĐXX cho rằng đây là cơ hội để làm rõ những góc khuất của ngành Y tế.

Nhân cơ hội này chúng ta phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, ban hành các văn bản pháp luật, quy trình hướng dẫn cho các bệnh viện thực hiện.

Đây cũng là cơ hội để nhìn nhận lại việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong các bệnh viện, một lĩnh vực có nhiều mảng tối.

Tôi hoàn toàn có thể đặt vấn đề về việc đang có nhóm lợi ích hoành hành trong các bệnh viện. Đây là cơ hội tốt để làm sạch nền y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân".

Đồng quan điểm với luật sư Huế, luật sư Lê Văn Thiệp cũng cho rằng trong vụ việc này đã có những khuất tất, những "góc mờ" trong việc xã hội hóa chạy thận cần phải làm rõ.

"Ngoài tội thiếu trách nhiệm còn có những tội như tham ô tài sản, làm giả giấy tờ cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Trong vụ việc này đã có nhiều dấu hiệu nên chúng tôi đã kiến nghị, HĐXX cũng đã ghi nhận toàn bộ", ông Thiệp cho biết.

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, người bảo vệ cho bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết, trong phiên tòa tiếp theo sẽ đề nghị cơ quan tố tụng phải đưa những người có trách nhiệm của Bộ Y tế vào thành phần tham gia tố tụng, cụ thể là đại diện của Cục Khám chữa bệnh và Vụ Phụ trách trang thiết bị y tế.

Ông Chiến cho biết: "Trong việc điều tra xử lý vừa qua của vụ án này còn có khiếm khuyết liên quan đến các vấn đề cần làm rõ mà chưa mời những người chuyên gia có trách nhiệm chuyên môn.

Tôi nghĩ rằng trong lần trả hồ sơ này, trách nhiệm của cơ quan điều tra, truy tố là phải đưa những người đó vào tham gia tố tụng để cần thiết họ có thể trả lời những vấn đề liên quan bảo đảm tính chuyên môn chính xác.

Bác sĩ Hoàng Công Lương rời tòa.

Nếu như phiên tòa xét xử lại, hy vọng HĐXX triệu tập đầy đủ người có liên quan chứ không riêng gì Cục Pháp chế của Bộ Y tế".

Đặc biệt, một trong những người mà luật sư Nguyễn Văn Chiến cho biết cần thiết phải mời tới tòa là bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh (Tiến sỹ - Bác sỹ Bệnh viện Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Bác sĩ Thịnh là một người chuyên sâu không chỉ về hệ thống lọc nước RO của Việt Nam mà ở các nước tiên tiến.

Việc nắm rõ quy trình kĩ thuật như thế nào sẽ giúp tìm ra nguyên nhân trách nhiệm thuộc về ai, vì thế sự có mặt của bác sĩ Thịnh là cần thiết để trả lời các câu hỏi liên quan.

Sự cố nghiêm trọng ở BVĐK tỉnh Hòa Bình xảy ra ngày 29-5-2017, khi đó có 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo đột ngột có dấu hiệu bất thường. Sau đó, 8 người lần lượt tử vong; 10 người được chuyển về BV Bạch Mai, Hà Nội điều trị. Đến ngày 10-2-2018, nạn nhân thứ 9 tử vong.

Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân khiến các bệnh nhân tử vong là nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo; các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình và đã tiến hành đã khởi tố vụ án.

Ngày 29-5-2017, ông Trương Quý Dương, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đã bị tạm đình chỉ công tác.

Ngày 22-6-2017, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt giam Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư - Trang thiết bị y tế), Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) và bác sĩ Hoàng Công Lương.

Đến ngày 5-7-2017, bác sĩ Hoàng Công Lương được thay đổi biện pháp ngăn chặn và cho tại ngoại. Ngày 15-5-2018, TAND TP Hòa Bình mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm sau khi bị hoãn vào ngày 7-5-2018.

Trâm Minh

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/nhieu-lanh-dao-benh-vien-da-khoa-tinh-hoa-binh-bi-de-nghi-truy-to-bo-sung-494833/