Nhiều lãng phí trong chi, thu ngân sách

Kê khai thuế không đầy đủ; nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước còn chưa nộp kịp thời; việc quản lý phần thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ tiền sử dụng đất, nhất là giao đất thực hiện dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không qua đấu giá nên việc xác định do các địa phương lựa chọn tùy tiện dẫn đến nhiều bất cập, hạn chế và làm thất thoát NSNN.

Đó là nhận định được đưa ra trong Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tình hình thực hiện NSNN năm 2018, dự toán NSNN năm 2019. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc phân bổ, giao vốn kế hoạch chậm, số vốn trung hạn đã giao giai đoạn 2016-2018 là 1,073 triệu tỷ đồng/2 triệu tỷ đồng (bằng 53,7% kế hoạch 2016-2020); tính đến 30/6/2018 số giải ngân chiếm khoảng 37,3% kế hoạch trung hạn đã giao. Đáng chú ý là Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tỷ lệ giao vốn chỉ đạt 6,27% kế hoạch.

Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển chậm, 9 tháng đầu năm đạt 50,9% dự toán, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Riêng thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản (bao gồm cả vốn trái phiếu chính phủ) những tháng đầu năm chậm, số vốn giải ngân 9 tháng ước đạt 50,2% dự toán (vốn trong nước đạt 55,1%, vốn ngoài nước đạt 27,3% dự toán), trong đó nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung (thấp hơn 50% dự toán). Việc giải ngân thấp, nhất là vốn trái phiếu chính phủ dẫn đến lãng phí NSNN.

Về nguồn thu ngân sách, theo dự kiến kết quả thực hiện NSNN năm 2018 của Chính phủ (thu cân đối NSNN cả năm ước đạt khoảng 1.358,4 nghìn tỷ đồng, vượt 39,2 nghìn tỷ đồng (tăng 3% so với dự toán). Tuy nhiên, phía Kiểm toán Nhà nước cho rằng, đây là mức thấp nhất so với kết quả thực hiện dự toán trong các năm gần đây (quyết toán năm 2014, năm 2015 đều tăng 9,6% so với dự toán; năm 2016 tăng 9,2% so với dự toán; năm 2017 tăng 6,2% so với dự toán.

Bên cạnh đó, số liệu báo cáo đánh giá thực hiện dự toán thu ngân sách trên địa bàn của các địa phương cho thấy, có 22/57 địa phương dự kiến không đạt dự toán thu trên địa bàn như TP HCM 97%, Hà Nội 94,1%, Vĩnh Phúc 88,8%, Bình Dương 90,5%, Hải Phòng 94% so với dự toán.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, cần rà soát lại các khoản chi và cắt giảm những nhiệm vụ không cần thiết, tập trung đẩy mạnh sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công theo các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 để giảm chi thường xuyên và tăng chi đầu tư phát triển, đặc biệt là các công trình trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia, cấp thiết và vùng đặc biệt khó khăn.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tai-chinh/nhieu-lang-phi-trong-chi-thu-ngan-sach-tintuc420036