Nhiều lăng mộ Thanh triều liên tiếp bị trộm, sao không kẻ nào dám xâm phạm Hiếu lăng của Thuận Trị đế?

Phải chăng nơi an nghỉ của Thuận Trị đế có ẩn giấu huyền cơ gì khiến những kẻ mộ tặc không dám bén mảng tới.

Thanh triều là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Hoa với thời gian trị vì kéo dài tới gần 3 thế kỷ và trải qua 12 đời Hoàng đế.

Ngày nay, quần thể lăng mộ của hoàng tộc nhà Thanh được chia làm 2 khu, bao gồm Thanh Đông lăng và Thanh Tây lăng.

Về Thanh Đông lăng nói riêng, trải qua nhiều biến cố lịch sử, nơi đây đã từng không ít lần bị mộ tặc phá hoại. Trong số đó, hai lăng mộ bị tàn phá nghiêm trọng hơn cả là nơi an nghỉ của Càn Long Hoàng đế và Từ Hi Thái hậu.

Tuy nhiên điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, lăng mộ có kích thước và quy mô lớn nhất nơi đây là Hiếu lăng của vua Thuận Trị lại chưa từng một lần bị trộm.

Theo quan điểm của Qulishi, việc nơi an nghỉ của Thuận Trị đế chưa từng bị đào trộm xuất phát từ 3 nguyên nhân dưới đây.

Nguyên nhân thứ nhất: Kiến trúc của Hiếu lăng hết sức kiên cố, vững chắc

Lối vào Hiếu lăng - nơi an nghỉ của Thuận Trị đế và hai vị Hoàng hậu. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Lối vào Hiếu lăng - nơi an nghỉ của Thuận Trị đế và hai vị Hoàng hậu. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Sau khi Thanh triều nhập quan, Thuận Trị chính thức trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của một Đại Thanh đã thống nhất đất nước. Lăng mộ của ông cũng vì vậy mà trở thành lăng mộ đầu tiên được xây dựng sau khi nhập quan.

Mặc dù lúc này nhà Thanh đã thống nhất đất nước, thế nhưng bởi vì trải qua nhiều năm chiến loạn, quốc khố thu vào cũng không nhiều, hơn nữa Thuận Trị chủ trương tiết kiệm, đương nhiên không muốn phô trương, lãng phí.

Hiếu lăng của ông cũng vì vậy mà được xây dựng một cách nhanh chóng với quy mô và lối kiến trúc hết sức giản dị.

Sở dĩ nơi an nghỉ của Thuận Trị có thể trở thành lăng mộ lớn nhất trong quần thể Thanh Đông lăng là bởi con trai ông, tức Khang Hi đế, về sau này ra sức tu bổ.

Tuy nhiên ngay cả khi chỉ được hoàn thành nhanh chóng trong vòng 1 năm kể từ khi thi công thì độ vững chắc của Hiếu lăng vẫn luôn là thách thức không nhỏ đối với bất kỳ mộ tặc nào.

Năm xưa, quần thể lăng mộ này từng trải qua 4 lần bị trộm nghiêm trọng, mỗi lần đều bị thuốc nổ tàn phá, thế nhưng nơi an nghỉ của Thuận Trị cho tới ngày nay vẫn không gặp phải hư hại lớn nào. Điều này đủ để thấy kiến trúccủa nơi này kiên cố tới nhường nào.

Những kẻ mộ tặc thấy Hiếu lăng không dễ đột nhập, vì vậy cũng chỉ đành từ bỏ để đi tìm kiếm những mục tiêu khác.

Nguyên nhân thứ hai: Hiếu lăng không có đồ tùy táng quý giá

Tranh chân dung Hoàng đế Thuận Trị - cha ruột của Khang Hi đế. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Việc Hiếu lăng không bị trộm mộ tàn phá còn có liên quan tới công lao của một nhân vật khác. Đó chính là Khang Hi đế - con trai của Thuận Trị đế.

Khang Hi lúc sinh thời rất chú trọng việc tu bổ, sửa sang lăng mộ của vua cha. Nơi an nghỉ của Thuận Trị sau này trở thành lăng mộ có số lượng tượng đá nhiều nhất, thần đạo dài nhất cũng là nhờ vậy.

Ngoài ra, Hiếu lăng còn có một tấm bia ghi công đức của Tiên đế lúc sinh thời. Trên tấm bia này, Khang Hi cũng cho người khắc rõ việc trong lăng không chôn theo bất cứ tiền bạc châu báu hay đồ vật quý giá nào.

Chính điều đó cũng đã khiến cho Hiếu lăng tránh được sự nhòm ngó của không ít mộ tặc.

Nguyên nhân thứ ba: Bên trong Hiếu lăng không có di thể của nhà vua và hoàng hậu

Ảnh chụp bên trong Thanh Đông Lăng. (Nguồn: Baidu).

Bên cạnh hai lý do kể trên, còn có một nguyên do khác và cũng là nguyên do trọng yếu nhất giúp Hiếu lăng không bị đào trộm. Đó là bởi nơi này vốn không chôn cất di thể của Thuận Trị đế và hai vị Hoàng hậu.

Năm xưa, Thuận Trị trước lúc qua đời đã yêu cầu triều thần phải hỏa táng mình. Quan lại nhà Thanh khi ấy cũng không dám làm trái ý nhà vua.

Vì vậy mà sau khi qua đời, di thể của Thuận Trị sau khi được đưa vào quan tài thì đã được đem đi hỏa táng. Hai vị Hoàng hậu của ông cũng được an táng theo cách như vậy.

Do đó, bên trong Hiếu lăng vốn không có di thể mà chỉ còn tro cốt. Điều này cũng khẳng định Hiếu lăng không có bất kỳ thứ quý giá nào. Lăng mộ ấy cũng vì vậy mà trở nên vô giá trị trong mắt những kẻ trộm mộ.

Những nguyên nhân phía trên chính là lý do khiến cho Hiếu lăng của vua Thuận Trị là lăng mộ hiếm hoi trong quần thể di tích Thanh Đông lăng được bảo tồn một cách nguyên vẹn và tránh được sự tàn phá từ những kẻ hành nghề mộ tặc trong suốt nhiều thế kỷ.

Theo Trần Quỳnh/Báo Tổ quốc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nhieu-lang-mo-thanh-trieu-lien-tiep-bi-trom-sao-khong-ke-nao-dam-xam-pham-hieu-lang-cua-thuan-tri-de/20201216024426491