Nhiều lần bị xử phạt vì bán hàng không rõ nguồn gốc, cửa hàng SkinFood vẫn 'chứng nào tật ấy'

Với hành vi buôn bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, cửa hàng Thế giới Skinfood đã nhiều lần bị Chi cục Quản lý thị trường xử phạt và tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số mỹ phẩm đang kinh doanh.

Liên quan tới vụ việc cửa hàng Thế giới Skinfood (địa chỉ: 100 Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM) kinh doanh nhiều mặt hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mới đây, Cục quản lý thị trường TP.HCM đã có văn bản phản hồi thông tin đến 1 số cơ quan thông tấn, báo chí.

Theo Cục quản lý thị trường TP.HCM, cửa hàng Thế giới Skinfood do bà Nguyễn Thu Hồng làm chủ hoạt động theo giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh số 41N8031130 do UBND quận Tân Bình cấp ngày 23/5/2016. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, cửa hàng này đã 3 lần bị lực lượng quản lý thị trường TP kiểm tra và xử lý vi phạm.

Cụ thể, ngày 22/11/2016, Đội Quản lý thị trường Tân Bình (nay là Đội Quản lý thị trường số 13) kiểm tra và xử phạt hành hành chính đối với bà Nguyễn Thu Hồng số tiền xử phạt 9,5 triệu đồng về hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu và tịch thu toàn bộ số mỹ phẩm trên để xử lí theo quy định của pháp luật.

Ngày 14/12/2016, đội Quản lý thị trường số 27 cũng tiến hành kiểm tra cửa hàng Thế giới Skinfood và đề xuất quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường TP ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thu Hồng. Số tiền bị xử phạt lần này là 10 triệu đồng với hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng buộc tiêu hủy toàn bộ số mỹ phẩm nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu theo quy định.

Ngày 1/4/2019, cửa hàng này tiếp tục bị Cục Quản lý thị trường Thành phố đề xuất UBND quận Tân Bình ban hành quyết định kiểm tra, xử phạt với số tiền 21.250.000 đồng do hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu và buộc tiêu hủy toàn bộ số mỹ phẩm nhập lậu trên theo quy định.

 Cửa hàng Thế giới Skinfood đã nhiều lần bị quản lý thị trường xử phạt và tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số mỹ phẩm đang kinh doanh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cửa hàng Thế giới Skinfood đã nhiều lần bị quản lý thị trường xử phạt và tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số mỹ phẩm đang kinh doanh để xử lý theo quy định của pháp luật.

Với những thông tin mà Cục Quản lý thị trường phản hồi cho báo chí nói trên, có thể khẳng định, những nghi vấn về chất lượng mỹ phẩm được bán tại cửa hàng Skinfood là hoàn toàn có cơ sở. Do đó, khách hàng cần cẩn trọng lựa chọn những mặt hàng mỹ phẩm được bày bán tại cửa hàng này nhằm tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

Như chúng tôi đã thông tin từ bài trước, theo phản ánh từ bạn đọc, rất nhiều mặt hàng mỹ phẩm được bày bán tại cửa hàng Thế giới SkinFood không có tem, nhãn phụ, số lô, công bố, mã vạch bằng tiếng Việt theo quy định pháp luật đối với mỹ phẩm nhập khẩu.

Cụ thể, theo ghi nhận của PV, rất nhiều mặt hàng mỹ phẩm tại cửa hàng không hề có thông tin hợp lệ nào theo quy định pháp luật như đã nêu trên.Trong đó, cá biệt có sản phẩm Camiane luminous, bằng mắt thường có thể dễ dàng quan sát bao bì được in bằng những dòng tiếng Hàn, mặt sau của sản phẩm cũng không có bất kỳ thông tin gì về số lô, công bố, mã vạch… và tên công ty chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm, thực phẩm bổ sung như viên uống cấp nước Hàn Quốc và colagen Innerb Aqua Rich cũng được bày bán trong tình trạng tương tự.

Do đó, việc khách hàng đưa ra nhận định, sản phẩm bán tại cửa hàng SkinFood không rõ nguồn gốc, dẫn đến chất lượng không đúng số tiền họ bỏ ra là hoàn toàn có cơ sở.

Rất nhiều mặt hàng mỹ phẩm được bày bán tại cửa hàng Thế giới SkinFood không có tem, nhãn phụ, số lô, công bố, mã vạch bằng tiếng Việt theo quy định pháp luật đối với mỹ phẩm nhập khẩu.

Theo Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, sản xuất mỹ phẩm trong nước, mỹ phẩm nhập khẩu trên bao bì phải có tên tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, cụ thể như: số lô, số công bố, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, định lượng. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện rõ nội dung hoặc thể hiện chưa đủ nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt sẽ phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt và giữ nguyên bản gốc, tức là nội dung nhãn phụ phải chuẩn sát với nội dung trên bản gốc.

Việc đáp ứng các quy định của pháp luật như đã nêu trên nhằm giúp người tiêu dùng có thêm kiến thức phân biệt được hàng nhập khẩu chính hãng và hàng giả mạo trên thị trường, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Truy cập vào trang web (https://thegioiskinfood.com) của cửa hàng SkinFood có thể thấy, trên trang web không hề hiển thị thông tin công ty, tổ chức cá nhân nào chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Vậy khi sản phẩm có dấu hiệu chưa rõ nguồn gốc, khách hàng sử dụng nếu có ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị tác hại xấu thì ai là người đứng ra chịu trách nhiệm?

Chất lượng Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin!

Quang Ly - Bảo Bảo

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ban-hang-khong-ro-nguon-goc-cua-hang-skinfood-nhieu-lan-bi-xu-phat-d161403.html