Nhiều khúc mắc một vụ 'Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu'

Không chấp nhận phán quyết của HĐXX TAND huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) trong quá trình giải quyết vụ án 'Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu', ông Nguyễn Xuân Thiều (số 21, ngách 354/177, đường Trường Chinh, quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã có đơn gửi Báo PLVN và cơ quan chức năng.

HĐXX sơ thẩm TAND huyện Hoài Đức

“Bỗng dưng” bị tước quyền làm con?

Ông Thiều cho biết, bố ông (cụ Nguyễn Xuân Đoàn) và vợ cả là cụ Hoàng Thị Đương có ba người con gồm: ông Nguyễn Xuân Tụ, ông Nguyễn Xuân Thiều và bà Nguyễn Thị Minh Tâm. Năm 1967, cụ Đoàn và cụ Đương ly hôn. Năm 1971, bố ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Bảy và sinh được 3 người con là: Nguyễn Xuân Tình, Nguyễn Xuân Thương và Nguyễn Xuân Thân.

Lúc đầu ông ở với bố nhưng vì những biến cố riêng nên ông phải chuyển đi nơi khác, nhường chỗ ở cho những người em cùng cha khác mẹ. Còn nhà, đất tại số 13, ngõ 97 Nguyễn Trãi, tổ 45C phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội là do cụ Đoàn mua. Năm 1997, cụ mất không để lại di chúc.

Năm 2013, ông Thân đã cùng mẹ đẻ và các anh ruột đến Văn phòng Công chứng (VPCC) Bảo Việt (Hoài Đức - Hà Nội) lập Văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế số 1568.2013/KNTC ngày 23/9/2013 để thỏa thuận phân chia tài sản là nhà, đất với tư cách là hàng thừa kế thứ nhất.

“Trên cơ sở những lời khai không đúng sự thật của ông Thân, cộng với sự “giúp sức” xác nhận của chính quyền, VPCC Bảo Việt đã chứng nhận việc phân chia tài sản của cụ Nguyễn Xuân Đoàn cho 4 người là: bà Nguyễn Thị Bảy, các ông Nguyễn Xuân Tình, Nguyễn Xuân Thương và Nguyễn Xuân Thân. Văn bản công chứng này khẳng định thông tin không đúng sự thật là: “Ngoài những người thừa kế trên, ông Nguyễn Xuân Đoàn không có bố mẹ nuôi, vợ, con đẻ, con nuôi, con riêng nào khác”, ông Thiều cho biết.

Sau đó các ông Tình, Thương, Thân đã đồng ý tặng cho phần được thừa kế của mình cho mẹ đẻ là bà Bảy. Ngày 16/10/2013, bà Bảy đã chuyển nhượng khối tài sản nói trên cho ông Nguyễn Đắc Tùng và ngày 9/12/2009 được UBND quận Thanh Xuân cấp sổ đỏ số AM 662300.

Khẳng định nội dung của văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế có sự gian dối, giấu giếm về hàng thừa kế và việc công chứng không đúng quy định của pháp luật, ông Thiều đã làm đơn khởi kiện VPCC Bảo Việt ra TAND huyện Hoài Đức, đề nghị tuyên hủy văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế số 1568.2013/KCTC ngày 29/3/2013.

Ngày 16/3/2015, ông Thiều có đơn khởi kiện bổ sung đề nghị TAND huyện Hoài Đức tuyên hủy việc đăng ký sang tên sổ đỏ ngày 2/10/2013 của UBND quận Thanh Xuân cho bà Nguyễn Thị Bảy vì cho rằng văn bản phân chia thừa kế bị vô hiệu; tuyên hủy Hợp đồng chuyển nhượng số 1419.2013/HĐ-CN ngày 16/10/2013 tại VPCC Lạc Việt (số 49 Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình) giữa bà Bảy và ông Nguyễn Đắc Tùng, hủy việc sang tên sổ đỏ của ông Tùng do cho rằng hợp đồng chuyển nhượng vi phạm điều cấm của pháp luật và hợp đồng giả tạo.

Nhiều vấn đề cần phải làm rõ

Trong các ngày 25, 26 và 30/9/2017, TAND huyện Hoài Đức đã đưa vụ kiện “Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” ra xét xử và quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Thiều, tuyên bố văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế số 1568.201/KNTC ngày 29/3/2013 của VPCC Bảo Việt vô hiệu; ghi nhận sự tự nguyện của ông Thiều không yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu; chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Nguyễn Đắc Tùng và bà Nguyễn Thị Thêu; giữ nguyên hiệu lực của Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở số 1491.2013/HĐ/CN ngày 16/10/2013 (của VPCC Lạc Việt) giữa bà Bảy và ông Tùng; giữ nguyên hiệu lực của việc đăng ký sang tên GCN số AM 662300 do UBND quận Thanh Xuân cấp ngày 18/11/2013 cho ông Tùng, giành quyền khởi kiện vụ kiện dân sự yêu cầu chia thừa kế tài sản của ông Nguyễn Xuân Đoàn để lại bằng giá trị đối với bà Bảy cho các ông Nguyễn Xuân Thiều, ông Nguyễn Xuân Tụ và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm nếu đủ điều kiện khởi kiện vụ án dân sự theo quy định của pháp luật, bác yêu cầu khác của các bên đương sự.

Không chấp nhận bản án sơ thẩm, ông Thiều cho biết: việc HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông tuyên bố Văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế số 1568.2013/KNTC vô hiệu nhưng lại bác hai yêu cầu khởi kiện bổ sung của ông là không đúng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003. Bởi lẽ, việc sang tên sổ đỏ của UBND quận Thanh Xuân cho bà Bảy là căn cứ vào Văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế số 1568.2013/KNTC. Việc HĐXX chấp nhận hủy văn bản phân chia thừa kế thì hậu quả giao dịch là việc đăng ký sang tên sổ đỏ cho bà Bảy là vô hiệu, không có căn cứ pháp luật.

Cũng theo ông Thiều, việc bà Bảy chuyển nhượng toàn quyền sử dụng nhà, đất tại số 13, ngõ 97 Nguyễn Trãi cho ông Tùng theo Hợp đồng chuyển nhượng số 1419.2013/HĐCN ngày 16/10/2013 tại VPCC Lạc Việt giữa bà Bảy và ông Tùng đã vi phạm điều cấm (Điều 127, 128, khoản 2 Điều 138, Điều 258, 698, 701 Bộ luật Dân sự 2005), bởi bà Bảy không có toàn quyền chuyển nhượng cả phần thừa kế của người khác cho ông Tùng. Cụ thể là chuyển nhượng phần thừa kế của ông Thiều, ông Tụ và bà Tâm cho ông Tùng...

Được biết, ông Thiều đã làm đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét, đánh giá toàn diện các chứng cứ khách quan của vụ án này.

Theo phản ánh của ông Thiều, trong lúc ông đang có đơn kháng cáo một phần Bản án sơ thẩm số 18/2017/DSST ngày 30/9/2017 của TAND huyện Hoài Đức thì ông Nguyễn Đắc Tùng đã cố tình cho người tiến hành phá cửa ra vào, dóc vữa tường gạch, đập các cửa sổ, phá gác xép... của căn nhà trên đất nêu trên. Ông Thiều đề nghị UBND phường Thượng Đình cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi trên của ông Tùng để giữ nguyên hiện trạng di sản thừa kế, nhằm tránh đẩy sự việc ngày càng thêm rối ren, phức tạp cũng như những hậu quả pháp lý về sau.

Trung Thứ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//nhip-cau/nhieu-khuc-mac-mot-vu-tranh-chap-lien-quan-den-yeu-cau-tuyen-bo-van-ban-cong-chung-vo-hieu-366858.html