Nhiều khoảng trống trong chuỗi cung ứng thực phẩm đang chờ nhà đầu tư

Với vùng nguyên liệu dồi dào và chất lượng cao, sản lượng nông thủy sản phong phú, Việt Nam có những mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm vẫn còn xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng chưa cao. Chính điều này đã mở ra cơ hội cho nhà đầu tư tham gia trong các dự án chế biến thực phẩm.

Việc phát triển vùng nguyên liệu chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Ảnh: N.Hiền

Ngày 15/11, trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến đầu tư Quốc gia năm 2018, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị hữu quan tổ chức Hội thảo “Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm”. Hội nằm trong chuỗi các sự kiện của Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo).

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính khoảng 15% GDP và trong 5 năm gần đây, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến đã tăng trung bình 9,68%/ năm, tiêu thụ đồ uống tăng trung bình 6,66%/năm.

Bên cạnh việc đầu tư để khai thác thị trường nội địa, ông Hải cho hay, tiềm năng khai thác và chế biến thực phẩm của Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài cũng rất đáng kể. Minh chứng là Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều… Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản trong năm 2017 của Việt Nam đạt tới 18,96 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2016. Nếu được đầu tư hơn nữa trong khâu sản xuất, chế biến và bảo quản, kết quả xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa.

Bên cạnh đó, ông Hải cho hay, việc Việt Nam tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do cũng mở ra cơ hội rộng lớn cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra một số lĩnh vực mà các nhà đầu tư có thể tham gia. Cụ thể, hiện còn khá ít dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khiến cho các ngành hỗ trợ cho chế biến thực phẩm như trồng trọt, chăn nuôi chưa được phát triển theo mô hình hiện đại, đạt chuẩn.

Cùng với đó, nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được sản xuất của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Ví dụ như ngành sữa chỉ đáp ứng được khoảng 25%; 90% nguyên liệu dầu ăn phải nhập khẩu; các nguyên liệu chính như malt, hoa houblon, chế phẩm enzym… cũng chưa sản xuất được trong nước nên vẫn phải nhập khẩu. Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng trong ngành thực phẩm Việt Nam.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhieu-khoang-trong-trong-chuoi-cung-ung-thuc-pham-dang-cho-nha-dau-tu.aspx