Nhiều khó khăn trong xử lý nạn hút cát trái phép

Thời gian qua, do nhu cầu san lấp mặt bằng và xây dựng tăng cao, tình trạng khai thác khoáng sản nói chung và bơm, hút cát trái phép nói riêng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các khu vực giáp ranh với các tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh diễn biến rất phức tạp. Địa phương đã chủ động rà soát, tăng cường kiểm tra, nhưng hiệu quả vẫn không như mong đợi.

Phương tiện bơm hút cát trái phép trên sông Mỏ Nhát bị lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ.

Phương tiện bơm hút cát trái phép trên sông Mỏ Nhát bị lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ.

Thống kê cho thấy, riêng sáu tháng đầu năm 2019, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện và xử lý hơn 30 vụ việc liên quan đến tình trạng khai thác cát, đá trái phép. Tập trung chủ yếu ở một số địa bàn trọng điểm, trong đó nổi cộm ở trên bờ là các xã Tóc Tiên, Châu Pha của thị xã Phú Mỹ, một số xã của huyện Xuyên Mộc; tại các khu vực sông, biển, tập trung chủ yếu tại khu vực cầu Cửa Lấp, Long Sơn của TP Vũng Tàu, khu vực sông Mỏ Nhát của thị xã Phú Mỹ và đặc biệt là khu vực Cồn Ngựa, giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Qua trinh sát của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, có thời điểm tại các khu vực này tập trung hàng chục xà-lan, ghe bầu đăng ký số hiệu của nhiều địa phương tụ tập về đây để tổ chức bơm, hút và vận chuyển cát trái phép. Lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân, vây bắt, trấn áp các đối tượng này. Điển hình như rạng sáng 16-2, tại khu vực sông Mỏ Nhát (phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ), Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phối hợp với Đồn Biên phòng Bến Đá và Đồn Biên phòng Long Sơn bắt quả tang ba phương tiện đang có hành vi khai thác cát trái phép. Theo đó, ba phương tiện bị bắt quả tang gồm: hai ghe bầu số hiệu BV 1332 (do ông Trần Văn Kiềm, sinh năm 1985, trú tại tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng), SG 7205 (do ông Huỳnh Hồng Châu, sinh năm 1973, trú tại tỉnh Long An làm thuyền trưởng) và xà-lan BV 1646 (do ông Lê Minh Tươi, sinh năm 1980, trú tại tỉnh Long An làm thuyền trưởng). Tại thời điểm lực lượng kiểm tra, thuyền trưởng của cả ba phương tiện trên không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan có thẩm quyền cấp phép và chứng chỉ chuyên môn của các thuyền viên.

Hay như mới đây nhất, ngày 25-6, cũng tại khu vực sông Mỏ Nhát thuộc phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, lực lượng chức năng phát hiện dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra bảy tàu mang số hiệu BV 1274, LA 07294, LA 07366, LA 07142, HP 5959, BV 2979 và HD 2282. Tại thời điểm kiểm tra, bảy tàu đang chở khoảng 4.450m3 cát. Thuyền trưởng các tàu không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số cát trên, không có giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Lực lượng chức năng đã tạm giữ bảy tàu chở cát không phép và đưa về vịnh Gành Rái để tiếp tục điều tra, xử lý.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh có 24 khu vực quy hoạch khai thác cát và vật liệu san lấp trên bờ với tổng diện tích gần 565 ha, trữ lượng hơn 41 triệu m3. Trong đó, có 13 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp và cát theo quy hoạch khoáng sản do UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực, không có điểm mỏ quy hoạch khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa biển. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý các tàu bơm hút hay vận chuyển cát trên sông, cửa biển gặp rất nhiều khó khăn. Một trinh sát thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hầu hết các phương tiện bơm hút và vận chuyển cát trái phép đều hoạt động vào buổi tối, khi bị phát hiện, các phương tiện này sẵn sàng cắt bỏ ống hút, tháo chạy. Việc bắt quả tang là rất khó khăn. Nhiều chủ phương tiện còn sử dụng hình thức “quay vòng” hóa đơn nhằm hợp thức hóa số cát trái phép.

Điển hình như vụ việc bảy phương tiện có dấu hiệu nghi vấn vừa bị cơ quan chức năng tạm giữ ngày 25-6 vừa qua. Qua tìm hiểu, đây là các phương tiện của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải An Tiến, có trụ sở tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Hiện công ty này đang tổ chức san lấp cho một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, qua điều tra, công ty này lại có hợp đồng nguyên tắc mua bán cát với Công ty TNHH Thương mại Tuấn Tâm, tại quận 4, TP Hồ Chí Minh. Đây là doanh nghiệp được tỉnh Bình Thuận cho phép thu hồi cát nhiễm mặn trong quá trình thực hiện dự án nạo vét luồng lạch sông Dinh (đoạn từ cầu Tân Lý đến cảng cá La Gi). Tiếp tục đi sâu tìm hiểu, các giao dịch mua bán, chuyển tiền, xác nhận công nợ, xuất hóa đơn, đều được hai pháp nhân này thực hiện khá nghiêm túc. Một luật gia nhiều kinh nghiệm cho biết, có thể đây là các chiêu thức lách luật của phía doanh nghiệp. Bởi với những hồ sơ hiện có, các cơ quan chức năng chỉ có thể ra quyết định xử phạt hành chính với các doanh nghiệp này.

Giữa tháng 6-2019 vừa qua, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ kiểm tra công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng, để xử lý triệt để vấn nạn khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, cần tăng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm. Đồng thời, cần hoàn thiện quy chế quản lý, xử lý và cấp phép các loại phương tiện vận chuyển khoáng sản.

Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an, cũng cho biết, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng quy chế quản lý, xử lý và cấp phép các loại phương tiện vận chuyển khoáng sản. Bởi khi quy chế quản lý chưa rõ ràng, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, thì nạn khai thác khoáng sản nói chung và bơm, hút cát trái phép tại các cửa biển, cửa sông vẫn còn tiếp diễn.

Bài ảnh: LÊ ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40852902-nhieu-kho-khan-trong-xu-ly-nan-hut-cat-trai-phep.html