Nhiều khó khăn trong quản lý lĩnh vực thương mại điện tử

Tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử (TMĐT) 2018 được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có những sửa đổi về khung chính sách, đặc biệt là chính sách thuế để có thể quản lý chặt chẽ hoạt động TMĐT trong bối cảnh lĩnh vực này đang có bước tăng trưởng thần tốc trong giai đoạn hiện nay.

Nộp tờ khai thuế Thu nhập cá nhân qua mạng tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Ng.Huế.

Khó khăn trong quản lý

Theo đánh giá của VECOM, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25%, tốc độ này được dự báo sẽ duy trì trong ba năm tiếp theo. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục TMĐT và kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết, trong năm 2017, đơn vị này đã xử phạt trên 300 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 6 tỷ đồng trong lĩnh vực TMĐT. So với năm 2016, các vi phạm đã tăng 67% về số vụ và 33% về số tiền phạt.

Ông Tuấn chỉ ra một số nhóm hành vi vi phạm phổ biến trong lĩnh vực TMĐT. Cụ thể, nhiều DN không thông báo và không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có hoạt động bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ trên các website. Cùng với đó, nhiều website không cung cấp cho khách hàng đầy đủ thông tin như chính sách vận chuyển, chính sách thanh toán, đổi trả hàng…, hoặc cung cấp thông tin sai lệch. Nhiều website cũng có sai phạm trong giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến.

Thậm chí, có website còn giả mạng thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động TMĐT, gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website, giả mạo thông tin đăng ký. Một số sàn giao dịch TMĐT còn hạn chế về cả ý thức và nhân lực để có thể kiểm soát và ngăn chặn những hành vi buôn bán không đúng quy định trên sàn của mình nên các vi phạm vẫn xảy ra. Cùng với đó là một số vi phạm về khuyến mại trực tuyến, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến trách nhiệm của người bán như đổi, trả hàng, bảo hành, giao hàng không đúng, chây ỳ trong hoàn tiền cho khách… gây ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Tương tự ông Tuấn, bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng chính sách thuế thu nhập DN, Vụ Chính sách – Tổng cục Thuế cũng chia sẻ nhiều khó khăn của cơ quan thuế trong công tác quản lý đối với lĩnh vực TMĐT. Cụ thể, việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc do hoạt động TMĐT hay một số hoạt động TMĐT chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Sự phổ biến trong việc sử dụng hóa đơn giấy cũng là khó khăn lớn cho cơ quan thuế. Hiện số lượng DN đăng ký kê khai, sử dụng hóa đơn điện tử còn rất ít và chưa có hệ thống kết nối giữa hóa đơn điện tử với cơ quan thuế dẫn tới khó khăn trong việc xác định doanh thu của các đơn vị kinh doanh.

Bà Mai cho biết, hiện ngành thuế đang nghiên cứu đề án hóa đơn điện tử, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong năm 2018. Theo đó khuyến khích 100% DN sử dụng hóa đơn điện tử và có kết nối với cơ quan thuế để thuận lợi trong việc giao dịch mua bán và tránh sử dụng hóa đơn giả.

Cơ quan thuế cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định đúng bản chất giao dịch để đánh thuế trong TMĐT. “Điển hình như việc xác định chính xác hoạt động kinh doanh của Grab, Uber là thuộc loại hình nào thì hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Như Hiệp hội Taxi cho rằng đây là hoạt động kinh doanh theo hình thức vận tải công nghệ, tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải lại xác định đây là hoạt động giao thông vận tải theo hợp đồng. Việc chưa xác định đúng bản chất hoạt động khiến cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc đưa ra mức thuế đối với Grab, Uber” – bà Mai nói.

Việc thu thuế nhà thầu của các tổ chức nước ngoài đối với các giao dịch xuyên biên giới cũng đang gặp nhiều khó khăn do các tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam nhưng lại cung cấp dịch vụ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam. Cùng với đó là khó khăn trong quản lý hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ sản phẩm số trên website, các trang mạng xã hội. Ví dụ, nhiều DN bán hàng hoặc đăng quảng cáo trên website, mạng xã hội nhưng lại không xuất hóa đơn hoặc không kê khai đầy đủ doanh thu cho cơ quan thuế.

Cần sửa nhiều luật thuế

Để quản lý thuế trong sự phát triển TMĐT, bà Mai cho hay, trước mắt cơ quan thuế đang thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, khuyến khích các tổ chức cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Điển hình như Cục Thuế TP.HCM đã tổ chức gặp mặt hàng chục nghìn tài khoản kinh doanh trên facebook để vận động các chủ tài khoản này tự giác kê khai nộp thuế.

Cùng với đó, để việc quản lý thuế đạt hiệu quả, Tổng cục Thuế đang tiến hành sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật thuế GTGT, Luật thuế TNDN, Luật thuế TNCN, Luật thuế XNK và các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo bao quát được hết các đối tượng và các hình thức kinh doanh TMĐT phát sinh tại Việt Nam. Tổng cục Thuế cũng đang được giao xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi. Tổng Cục Thuế cũng đề xuất một số giải pháp để đảm bảo quản lý thuế được thực thi. Cụ thể, trong Luật Quản lý thuế sửa đổi dự kiến sẽ có 1 chương về giao dịch điện tử, trong đó có quy định cụ thể các hoạt động thương mại điện tử để đảm bảo việc quản lý thuế đối với lĩnh vực này được khả thi. Đồng thời, nghiên cứu các chính sách cũng như thông lệ quốc tế để đảm bảo việc quản lý thuế đối với TMĐT phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tổng cục Thuế cũng dự kiến xây dựng, mở trên cổng thông tin điện tử ngành thuế một giao diện để người nộp thuế có thể kê khai, đăng ký thuế và sử dụng hóa đơn điện tử trên trang giao diện của ngành thuế đảm bảo 100% DN có thể sử dụng điện tử hóa thay vì phải kê khai nộp thuế như hiện nay. Cùng với đó, nghiên cứu tổ chức một bộ phận ở tổng cục thuế để rà soát, nắm các giao dịch thương mại điện tử và chủ động trong công tác đào tạo nhân lực cho cán bộ ngành thuế để đảm bảo phù hợp với xu thế hiện nay.

Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan thuế, để quản lý thuế đối với thương mại điện tử đạt hiệu quả, bà Mai cho rằng, cần có thêm các giải pháp của các bộ ngành liên quan. Cụ thể, về thanh toán, ngành thuế đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu giải pháp để ngân hàng thương mại có thể khấu trừ thuế đối với các giao dịch thanh toán qua ngân hàng trước khi trả tiền cho các tổ chức bán hàng, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài. Đồng thời, với các dịch vụ xuyên biên giới, khi thanh toán thì phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa của trung tâm NAPAS để trên cơ sở đó cơ quan thuế có thể xác định chính xác doanh thu của các hoạt động này.

Tại diễn đàn, các chuyên gia đánh giá cơ quan thuế đã có một bước tiến dài trên con đường quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Việc Bộ Tài chính công bố dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là khởi đầu quan trọng trong quản lý thuế đối với TMĐT. Theo đó, Hiệp hội Thương mại điện tử khuyến nghị cộng đồng DN liên quan tới kinh doanh trực tuyến chủ động tham gia, góp ý cho dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi nhằm đảm bảo các quy định trong luật gắn thúc đẩy phát triển TMĐT và đạt hiệu quả cao.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhieu-kho-khan-trong-quan-ly-linh-vuc-thuong-mai-dien-tu.aspx