Nhiều khó khăn trong phát triển làng nghề ở Điện Biên

Lao động chủ yếu là thủ công, chưa qua đào tạo, phần lớn là do truyền nghề và kèm cặp tại chỗ nên trong quá trình sản xuất theo cơ chế thị trường gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Tại tỉnh Điện Biên hiện nay vẫn chưa có làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận theo quy định tại Nghị định số 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Các nghề, làng nghề chỉ sản xuất mang tính tự phát, quy mô nhỏ, mức đầu tư còn thấp, hạ tầng, trang thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đa dạng để đáp ứng nhu cầu thị trường, vì vậy mà hoạt động lay lắt cầm chừng và chưa thực sự hiệu quả.

Chị Lò Thị Viên, thành viên Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang 2 cho biết hàng hóa tồn từ cuối năm 2019 đến nay vẫn chất đống ở trụ sở hợp tác xã.

Chị Lò Thị Viên, thành viên Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang 2 cho biết hàng hóa tồn từ cuối năm 2019 đến nay vẫn chất đống ở trụ sở hợp tác xã.

Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Na Sang 2 ở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nhiều tháng nay chỉ hoạt động cầm chừng, phần lớn mặt hàng thổ cẩm của hợp tác xã chỉ bán được cho các đại lý phục vụ khách du lịch. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch đóng băng nên hợp tác xã cũng không có một đơn hàng nào được đặt, hàng hóa tồn từ cuối năm 2019 đến nay vẫn chất đống ở trụ sở hợp tác xã.

Chị Lò Thị Viên, thành viên Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang 2 cho biết, so với mọi năm, hợp tác xã bị ảnh hưởng tới 90% vì thế không có nguồn thu nhập. Cùng với đặc thù của nghề dệt là sản xuất thủ công chậm còn một khó khăn khiến hợp tác xã hoạt động chưa thực sự hiệu quả, đó là chưa được tiếp cận với các nguồn vốn vay từ các ngân hàng, mức đầu tư còn thấp nên kết quả đạt được còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.

“Nghề dệt hiện rất chậm. Nếu tính công dệt, bán ra thị trường thì đắt. Nếu bán rẻ thì ngày công lại không được bao nhiêu. Thế cho nên dân họ toàn thích đi làm thuê, làm mướn. Ước mong của chúng tôi là làm sao có nơi tiêu thụ để ổn định việc làm quanh năm, thu nhập cao hơn”, chị Viên chia sẻ.

Hiện tỉnh Điện Biên có tổng cộng 31 nghề và làng nghề, gồm: 11 làng nghề sản xuất và chế biến, bảo quản nông sản; 8 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, mây tre đan, bánh khẩu xén và 12 nghề truyền thống.

Lao động chủ yếu là thủ công, chưa qua đào tạo, phần lớn là do truyền nghề và kèm cặp tại chỗ nên trong quá trình sản xuất theo cơ chế thị trường gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, những nghề, làng nghề này chủ yếu hoạt động theo hình thức thủ công (chiếm 95%). Ngoài số ít được đánh giá hoạt động đạt hiệu quả, có thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/lao động/tháng như: nghề làm bánh khẩu xén (tại bản Bắc, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay); nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lào (tại bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên) thì còn lại hầu hết hoạt động không hiệu quả, thậm chí dừng hoạt động.

Điển hình như làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Mường Luân 1, xã Mường Luân, huyện Ðiện Biên Ðông, thời gian gần đây hoạt động rất khó khăn do khó tìm thị trường tiêu thụ, nguyên liệu nhập giá thành cao, thu nhập thấp, không ổn định khiến nhiều người không còn mặn mà với nghề.

Hay như làng nghề thêu ren thổ cẩm bản Tà Là Cáo, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa và làng nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên cũng đã tạm dừng hoạt động do không có đơn đặt hàng.

Lý giải về thực trạng này, Bà Mai Thị Trang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Sản xuất nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay hầu hết mang tính tự phát, quy mô nhỏ, các cơ sở thiếu vốn, chưa được hỗ trợ đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ lạc hậu.

Do vậy, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đa dạng, chưa đáp ứng với nhu cầu thị trường. Trong khi đó, lao động chủ yếu là thủ công, chưa qua đào tạo, phần lớn là do truyền nghề và kèm cặp tại chỗ nên trong quá trình sản xuất theo cơ chế thị trường gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

“Kinh nghiệm về phát triển đa dạng sản phẩm mẫu mã phù hợp với thị hiếu kết hợp đan xen yếu tố sản phẩm truyền thống với tính hiệu quả sử dụng của sản phẩm để phù hợp với người tiêu dùng thì tư duy hay khả năng phát triển sản phẩm này của các chủ cơ sở ở Điện Biên là còn hạn chế. Có thể là du khách mua 1-2 năm, chứ người tiêu dùng không thể mua mãi một sản phẩm như thế, buộc chúng ta sẽ phải cải tiến sản phẩm”, bà Trang cho biết thêm.

Bên cạnh đó là kinh nghiệm về phát triển đa dạng sản phẩm mẫu mã chưa phù hợp với người tiêu dùng.

Cũng theo bà Mai Thị Trang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên, trước thực trạng này, mới đây chi cục đã triển khai 2 đợt điều tra, rà soát tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố nhằm phổ biến sơ bộ về Nghị định số 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

Ðồng thời, điều tra, rà soát các cơ sở sản xuất làm cơ sở để công nhận nghề truyền thống và các làng nghề cũng như đề xuất xây dựng kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, các làng nghề cần bảo tồn lâu dài, giai đoạn 2021 - 2025 đến năm 2030.

Từ đó tham mưu xây dựng một số mô hình điểm về phát triển ngành nghề nông thôn cho các xã có tiềm năng phát triển ngành nghề thủ công truyền thống, khôi phục và phát triển các làng nghề theo định hướng mỗi xã một sản phẩm. Từ đó nhằm từng bước hướng tới phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh.

“Để làng nghề phát triển được, những chủ thể phải sống được bằng nghề của họ, và để có thể thu hút được giới trẻ chúng tôi cũng đã lên kế hoạch phối hợp với chương trình đề án mỗi xã một sản phẩm của tỉnh đang rà soát cho giai đoạn tới. Đưa các sản phẩm nghề truyền thống này vào tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm vừa là các sản phẩm trực tiếp, đồng thời cũng là các sản phẩm kết hợp thực hiện mô hình phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống”, bà Trang nhấn mạnh.

Với các giải pháp thúc đẩy phát triển nghề, làng nghề truyền thống thông qua các chương trình, dự án khuyến công, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn, xúc tiến thương mại đã và đang được triển khai, kỳ vọng hoạt động của các làng nghề tại Điện Biên sẽ sớm có những tín hiệu khả quan hơn./.

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-kho-khan-trong-phat-trien-lang-nghe-o-dien-bien-817357.vov