Nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về xả thải của các cơ sở chế biến lâm sản ở Quan Hóa

HTX chế biến lâm sản Hợp Phát có hệ thống nhà xưởng sản xuất ngay bên bờ sông Mã.

Cứ kiểm tra là... ra vi phạm

Xuân Phú là xã có số lượng các doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản nhiều nhất của huyện Quan Hóa, từ quy mô sản xuất lớn (doanh nghiệp xuất khẩu) cho tới quy mô hộ gia đình. Hầu hết các cơ sở này có vị trí xưởng sản xuất ven bờ sông Mã, chủ yếu sản xuất đũa, tăm, thanh nan, ngâm, ủ bột giấy, sản xuất vàng mã... Đây đều là những cơ sở thường xuyên sử dụng nhiều hóa chất (đều có tính độc hại cao khi thải ra môi trường chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn về tác động tới môi trường), nên qua quá trình xả thải đã gây ra tình trạng ô nhiễm trực tiếp cho sông Mã và ảnh hưởng tới môi trường do nước thải rò rỉ từ khâu ngâm, ủ bột giấy gây ra. Ngay cả Công ty TNHH Duyệt Cường, một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất vàng mã dù đã được UBND tỉnh cấp hạn mức xả thải tiêu chuẩn ra môi trường với 200m3 nước thải đã qua xử lý song doanh nghiệp này vẫn “lén lút” vi phạm. Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh đã mật phục bắt quả tang công ty này xả thải ra môi trường vượt mức quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trên 10 lần. Tại thời điểm phát hiện, mỗi ngày dây chuyền sản xuất của công ty xả thải đều vượt hạn mức cho phép và nước thải chưa qua xử lý được xả thẳng ra sông Mã. Cơ quan chức năng đã xử phạt công ty này với số tiền 320 triệu đồng.

Qua khảo sát thực tế, tại một số cơ sở có quy mô sản xuất lớn khác trên địa bàn huyện Quan Hóa nhận thấy một thực tế đáng lo ngại là những cơ sở dù đã hoạt động trên dưới 10 năm nhưng không có công trình xử lý nước thải đạt chuẩn hoặc có xây dựng cũng chỉ mang tính chất đối phó và không được cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Một số cơ sở sản xuất dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần vì gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn không cải thiện tình hình, vẫn tiếp tục vi phạm và tìm cách bao biện cho hành động của mình. Đối với các cơ sở sản xuất ở quy mô nhỏ, lẻ, thời vụ theo hộ gia đình, tình trạng vi phạm còn đáng lo ngại hơn khi hầu hết không có hệ thống xử lý nước thải, trong quá trình sản xuất đều “vô tư” xả thẳng nước thải ra sông, suối và môi trường xung quanh.

Từ tháng 4 đến tháng 6-2018, Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh, kiểm tra 13 cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Quan Hóa, Bá Thước, đã phát hiện, xác định được 11 cơ sở vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó huyện Quan Hóa có tới 7 cơ sở vi phạm gồm: HTX Hợp Phát, HTX Hà Long, HTX chế biến lâm sản sông Mã, HTX chế biến lâm sản Quan Hóa (xã Xuân Phú), Công ty TNHH Thương mại – vận tải Hoàng Vân, HTX Xuân Dương (xã Hồi Xuân), Công ty TNHH Chế biến lâm sản Bảo Yến (xã Phú Thanh). Các hành vi vi phạm khá phổ biến được xác định như: Chưa đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý nước thải; xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép; không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận...

Công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm còn nhiều bất cập

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng vi phạm, gây ô nhiễm môi trường nói trên là ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ sở, doanh nghiệp quá kém, thậm chí bất chấp các quy định của pháp luật, lén lút thực hiện các hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường chưa được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc giám sát, kiểm tra, phát hiện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn còn nhiều yếu kém. Ở cấp huyện, công tác xử lý các vi phạm còn lúng túng và cũng ở trong tình trạng thiếu cán bộ chuyên trách, không có thiết bị đo đạc, xác định vi phạm trong việc xả thải, thiếu kinh phí... Việc phát hiện các cơ sở vi phạm lại phải trông chờ vào cơ quan chức năng của ngành tài nguyên – môi trường và sự vào cuộc của lực lượng cảnh sát môi trường. Hơn nữa, việc chỉ được thanh, kiểm tra tối đa không quá 3 lần/năm đối với các doanh nghiệp cũng đã tạo ra kẽ hở để nhiều cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các hành vi vi phạm của mình và qua mặt được cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, ở góc độ địa phương còn có tình trạng “cả nể”, “tặc lưỡi” cho qua. Được biết, huyện Quan Hóa đã quy hoạch Cụm công nghiệp xã Xuân Phú với mục tiêu đưa các cơ sở chế biến lâm sản và công nghiệp “về một mối” để thuận lợi cho công tác quản lý, đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp, cơ sở phải có hệ thống xử lý nước thải, chất thải đạt chuẩn mới được hoạt động, việc xả thải phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật và các văn bản cấp phép của tỉnh.

Lãnh đạo huyện Quan Hóa cho biết: Huyện xác định công tác bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp, hộ gia đình và mọi người dân, kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, huyện cũng đã thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp huyện đến cấp xã; tập trung xử lý các vi phạm về xả chất thải vượt tiêu chuẩn cho phép hoặc không có công trình xử lý chất thải. Trên cơ sở đó, yêu cầu doanh nghiệp đầu tư, hoàn thiện các hạng mục về xử lý môi trường trong quá trình hoạt động; phối hợp với lực lượng chức năng, tăng cường các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Bài và ảnh: Gia Khánh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/ijimwz/new-article.aspx