Nhiều khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Chưa có cơ chế tuyển giáo viên tiếng Anh và tin học cho lớp 3 trở lên; thiếu phòng học để học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày… là những khó khăn hiện tại của ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh.

Ở những quận, huyện đông dân cư, việc đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp là bất khả thi vào thời điểm này.

Ngày 21-7, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo với đoàn giám sát thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố về những khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khó khăn thứ nhất là tuyển dụng giáo viên môn tiếng Anh và tin học. Trước đây, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai giảng dạy 2 môn này tại bậc Tiểu học từ năm 1998, theo hình thức xã hội hóa, học phí thu theo thỏa thuận với phụ huynh.

Hiện nay, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các môn này sẽ được tự chọn cho lớp 1 và 2, nhưng bắt buộc học từ lớp 3. Như vậy, các cơ sở giáo dục sẽ phải tuyển thêm giáo viên. Tuy nhiên, ngành Giáo dục lại chưa có quy định trong đề án vị trí việc làm.

“Quy định là cử nhân sư phạm tiếng Anh mới được dạy tiểu học. Trong năm qua, quận 11 tổ chức tuyển 21 giáo viên, nhưng không có người dự tuyển. Quận Bình Tân tuyển được 1 giáo viên, nhưng người này sau đó cũng xin thôi giảng dạy”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

Trước thực tế này, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể, giải quyết vướng mắc nêu trên.

Khó khăn thứ hai là về bảo đảm cơ sở vật chất cho việc học sinh học 2 buổi/ngày. Hiện thành phố bảo đảm tỷ lệ 292 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi), nhưng không đồng đều ở các quận, huyện.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo), toàn thành phố hiện có 11/24 quận, huyện bảo đảm 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày gồm các quận 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9, 10, Phú Nhuận; các huyện Cần Giờ và Nhà Bè. Nhưng tại các quận, huyện như Bình Tân, Bình Chánh, 12, Tân Phú… con số này chưa đạt 50% do đây là những địa bàn đông dân cư, tốc độ tăng dân số cơ học ở mức cao.

“Tính chung toàn thành phố, tỷ lệ học sinh tiểu học đủ chỗ học 2 buổi/ngày hiện chỉ đạt 70%. Hơn nữa, việc thực hiện quy định 35 học sinh/lớp học cho khối lớp 1 cũng chưa thể thực hiện được tại 100% số trường tiểu học trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết.

Một ngôi trường ở quận 9 vừa xây dựng mới với kinh phí khoảng 70 tỷ đồng.

Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo, để giải quyết trước mắt cho học sinh tiểu học (nhất là học sinh lớp 1) được học đủ 2 buổi/ngày theo quy định, trong lúc chờ xây thêm hoặc mở rộng trường lớp, các quận, huyện đã lên kế hoạch ưu tiên phòng học cho lớp 1. Học sinh các lớp lớn sẽ học cả thứ bảy.

Tuy nhiên, các trường học trong nội thành cũng gặp nhiều khó khăn khi mở rộng trường lớp, do quỹ đất hạn hẹp. Ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh từng tính đến phương án nâng số tầng tại những trường này. Song, điều này lại vướng quy định của Bộ Xây dựng (trường tiểu học không được phép xây quá 3 tầng, trung học không quá 4 tầng), nên chưa thể triển khai.

Bích Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/973410/nhieu-kho-khan-khi-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi