Nhiều khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm học 2020-2021, cùng với cả nước, Thanh Hóa sẽ bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1. Tuy nhiên, hiện nay số lượng giáo viên, cơ sở vật chất còn thiếu khiến việc triển khai gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất cho các trường học khiến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học 2020-2021 còn nhiều khó khăn (ảnh có tính minh họa).

Thiếu giáo viên dạy 2 buổi/ngày

Theo thống kê của Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), toàn tỉnh có 15.249 cán bộ, giáo viên cấp tiểu học. Trong đó, cán bộ quản lý có 1.471 người, giáo viên có 12.702 người, nhân viên hành chính và đoàn đội có 1.076 người. So với biên chế tỉnh giao, hiện còn thiếu 3.073 người. Tính đến năm 2020-2021, nhu cầu giáo viên để tổ chức dạy 2 buổi/ngày là 18.885 người, trong đó, cán bộ là 1.325 người, giáo viên là 15.930, nhân viên hành chính, đoàn đội là 1.620 người.

Tại huyện Quảng Xương, riêng khối tiểu học hiện có 704 biên chế. So với chỉ tiêu biên chế tỉnh giao, huyện Quảng Xương còn thiếu 46 biên chế. Để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày, huyện Quảng Xương cần 915 biên chế. So với nhu cầu, huyện Quảng Xương còn thiếu 211 biên chế.

Ông Nguyễn Huy Nam, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương, cho biết: Hiện nay, UBND tỉnh giao chỉ tiêu biên chế cho huyện Quảng Xương mới đạt định mức tối thiểu 1,2 giáo viên/lớp. Trong khi đó, Quảng Xương có 30/31 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia phải học 2 buổi/ngày, cần đảm bảo 1,5 giáo viên/lớp. Thiếu giáo viên nên hiện nay phần lớn các trưởng chuẩn quốc gia chỉ tổ chức học 1 buổi/ngày. Năm học 2019-2020, số học sinh vào lớp 1 trong toàn huyện sẽ tăng thêm. Để đảm bảo dạy học, toàn huyện Quảng Xương cần khoảng hơn 200 giáo viên tiểu học. Đến năm 2020-2021, nếu UBND tỉnh không có cơ chế tuyển dụng thêm giáo viên để đủ định mức 1,5 giáo viên/lớp thì sẽ khó triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cùng tình trạng trên, huyện Thạch Thành cũng đang gặp nhiều khó khăn khi không đủ giáo viên tiểu học. Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thạch Thành, cũng chia sẻ: Vài năm gần đây, số lượng học sinh vào lớp 1 của huyện Thạch Thành ngày càng tăng thêm. Mỗi năm toàn huyện tăng hơn 1.000 học sinh. Tuy nhiên, biên chế tỉnh giao không tăng dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Nhiều trường tiểu học trên địa bàn phải huy động hiệu trưởng và phó hiệu trưởng ra đứng lớp do thiếu giáo viên. Nhiều trường chuẩn quốc gia không tổ chức dạy 2 buổi/ngày theo đúng quy định. Theo thống kê, huyện Thạch Thành hiện vẫn còn thiếu gần 200 giáo viên tiểu học (tính theo mức quy định tối thiểu 1,2 giáo viên/lớp). Nếu thực hiện chương trình phổ thông mới với quy định 1,5 giáo viên/lớp để đảm bảo dạy 2 buổi/ngày, Thạch Thành sẽ còn thiếu rất nhiều giáo viên cấp tiểu học như hiện nay.

Được biết, đây là tình trạng chung của nhiều địa phương trong tỉnh. Ngoài huyện Quảng Xương, Thạch Thành, nhiều huyện cũng trong tình trạng thiếu giáo viên, như: Hoằng Hóa, thị xã Bỉm Sơn, Như Xuân, Mường Lát... Đặc biệt, nhiều huyện vùng núi cao như Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát... tình trạng thiếu giáo viên càng lớn khi những năm gần đây có nhiều giáo viên xin chuyển công tác về miền xuôi.

Điển hình như huyện Quan Hóa, những năm gần đây có hàng chục giáo viên chuyển công tác về miền xuôi. Hiện nay, so với biên chế tỉnh giao, huyện Quan Hóa còn thiếu 87 giáo viên. Đặc biệt, bậc tiểu học thiếu giáo viên Tin học và Ngoại ngữ. Huyện Quan Hóa có 20/52 trường chuẩn. Tuy nhiên, chỉ có một số trường chuẩn là có giáo viên Tiếng Anh và Tin học, còn lại phần lớn là thiếu giáo viên 2 bộ môn này.

Thiếu phòng chức năng

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bên cạnh khó khăn khi thiếu giáo viên, thì bài toán về cơ sở vật chất cũng vô cùng nan giải đối với các trường học. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Tin học, Ngoại ngữ sẽ là môn bắt buộc, không còn là môn tự chọn như trước. Trong khi đó, hiện nay, phần lớn các trường chưa có phòng chức năng phục vụ dạy học 2 môn học này.

Ông Nguyễn Huy Nam, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương chia sẻ: Thực tế hiện nay tại huyện Quảng Xương, giáo viên Tin học ở bậc tiểu học không có biên chế. Theo quy định, trường chuẩn quốc gia bắt buộc phải có phòng học Tin học. Tuy nhiên, tại nhiều trường chuẩn quốc gia, phòng học Tin học phải đóng cửa do không có giáo viên giảng dạy. Máy móc không hoạt động thường xuyên nên hư hỏng, gây lãng phí.

Cũng theo ông Nam, việc xây dựng hệ thống phòng chức năng cho hệ thống các trường tiểu học trên địa bàn, như: Phòng máy tính, phòng học Ngoại ngữ... cần nguồn kinh phí đầu tư lớn. Đây là khó khăn của huyện khi kinh phí ngân sách hạn hẹp. Để chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai thành công, cần có sự hỗ trợ đồng bộ của các cấp, ngành địa phương cùng sự ủng hộ của nhân dân. Hiện nay, huyện Quảng Xương cũng đang chỉ đạo UBND các xã từng bước bổ sung cơ sở vật chất cho các nhà trường để đảm bảo đến năm học 2020-2021, đủ điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ở các huyện miền núi, điều kiện cơ sở vật chất trường học còn khó khăn hơn khi còn nhiều điểm trường lẻ. Ông Ngô Phi Hùng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa, cho biết: Khó khăn nhất của huyện Quan Hóa là cơ sở vật chất trường học còn nghèo nàn, thiếu thốn, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, điểm trường lẻ. Những năm gần đây, nhờ nỗ lực của ngành, chính quyền địa phương, huyện Quan Hóa đã xóa được cơ bản phòng học tranh tre, nứa lá và cố gắng vận động đưa học sinh ra các điểm trường chính học. Tuy nhiên, do đặc điểm khó khăn về địa hình, bậc tiểu học vẫn còn 37 điểm trường lẻ. Cơ sở vật chất ở các điểm trường lẻ còn nghèo nàn, khiến học sinh học ở các điểm trường này còn nhiều thiệt thòi.

“Việc có nhiều điểm trường lẻ cũng là một khó khăn lớn khi bố trí, sắp xếp giáo viên dạy 2 buổi/ngày. Trong khi đó, việc tính chỉ tiêu biên chế giáo viên lại căn cứ vào sĩ số học sinh chứ không căn cứ vào đặc điểm từng vùng. Đối với các huyện miền núi có nhiều điểm lẻ, nhu cầu giáo viên sẽ nhiều hơn so với chỉ tiêu biên chế được giao” – ông Hùng chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Trịnh Vĩnh Long, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT, cũng cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 9-2020. Hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng đang tích cực chuẩn bị triển khai về các địa phương. Theo kế hoạch, trong đầu tháng 5-2019, Bộ GD&ĐT sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch tập huấn cho cán bộ cốt cán, sau đó sẽ lần lượt tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên (tập trung vào giáo viên giảng dạy lớp 1). Hiện nay, lo lắng lớn nhất của ngành giáo dục Thanh Hóa là đội ngũ giáo viên. Những năm gần đây số lượng học sinh tăng dần, thế nhưng chế độ giáo viên không thay đổi, dẫn đến tình trạng ngày càng thiếu giáo viên. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu tối thiểu định mức 1,5 giáo viên/lớp để đảm bảo dạy 2 buổi/ngày. Với số lượng biên chế giáo viên hiện nay, đến năm 2020-2021 Thanh Hóa sẽ thiếu rất nhiều giáo viên tiểu học, đặc biệt là giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học. Nguyên nhân là do lâu nay những môn học này là môn tự chọn nên khi các địa phương xây dựng phương án tuyển dụng giáo viên thường chỉ ưu tiên tuyển giáo viên văn hóa còn thiếu. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất của nhiều trường học cũng chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Nhiều trường còn thiếu phòng học, phòng chức năng. Nhiều địa phương, mặc dù trường chuẩn quốc gia nhưng không thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày theo quy định, như: Huyện Quảng Xương có 30 trường chuẩn quốc gia nhưng chỉ có 2 trường (tiểu học thị trấn trấn Quảng Xương và Trường Tiểu học Quảng Phong) tổ chức học 2 buổi/ngày; 17 trường quá hạn công nhận lại nhưng không đủ điều kiện để công nhận lại chuẩn.

“Trước những khó khăn này, Sở GD&ĐT sẽ có những hướng dẫn cụ thể đến từng địa phương để xây dựng phương án, từng bước khắc phục khó khăn, đảm bảo nâng cao chất lượng dạy học khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới” – ông Long cho biết thêm.

Bài và ảnh: Hoàng Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/nhieu-kho-khan-khi-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi/100020.htm