Nhiều HTX nông nghiệp thiếu trụ sở làm việc

Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh và các sở, ngành, địa phương rất quan tâm phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tuy nhiên, việc thiếu đất làm trụ sở đang là một trong những rào cản lớn, hạn chế sản xuất, kinh doanh của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công nhân HTX Hoa Phước Long (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) chăm sóc vườn hoa để phục vụ thị trường Tết năm nay. Ảnh: Dương Trường

Công nhân HTX Hoa Phước Long (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) chăm sóc vườn hoa để phục vụ thị trường Tết năm nay. Ảnh: Dương Trường

Với một loạt các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 378 HTX nông nghiệp (chiếm 64% tổng số HTX toàn tỉnh). Giai đoạn 2018-2020, toàn tỉnh thành lập mới 133 HTX nông nghiệp (vượt 66% so với chỉ tiêu Bộ NN&PTNT giao). Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng của các HTX nông nghiệp cũng ngày một nâng lên: Doanh thu của các HTX bình quân 800 triệu đồng/năm 2018, đến nay là 850 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân 30 triệu đồng/thành viên/năm 2018, nay là 40 triệu đồng/năm.

Bên cạnh kết quả đạt được, phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp thực tế sau nhiều năm vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Điển hình như nhiều HTX có trụ sở nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ); một số HTX chưa được cấp đất để xây dựng trụ sở; một số HTX phải đi thuê, mượn trụ sở... Ông Lê Thế Phước, Giám đốc HTX hoa Phước Long (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long), cho biết: "Vì không có trụ sở làm việc nên mỗi khi giao dịch với khách hàng, chúng tôi cứ phải chạy ngược chạy xuôi tìm địa điểm. Khó khăn nhất là tiếp cận vốn vay ngân hàng. Năm 2017, để mở rộng sản xuất lên 2ha trồng hoa, tôi đã phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục cả gia đình đồng ý cho thế chấp nhà để vay 2 tỷ đồng. Nếu có trụ sở làm việc thì việc vay vốn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, cũng sẽ gắn được trách nhiệm của các thành viên đối với tài sản chung".

Trồng dưa trong nhà lưới tại HTX Nông nghiệp Hương Việt (phường Bắc Sơn, TP Uông Bí).

Cũng giống như HTX hoa Phước Long, nhiều HTX nông nghiệp khác trong tỉnh hiện gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất do không có trụ sở làm việc. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện chỉ có 121/378 HTX nông nghiệp có trụ sở làm việc (chiếm 32%), trong số này có 32 HTX chưa được cấp GCNQSDĐ; 257 HTX còn lại chưa được cấp đất để xây dựng trụ sở làm việc (chiếm 68%). Như vậy là có khoảng 70% “trụ sở” làm việc là nhà các thành viên của HTX; số còn lại là các HTX dịch vụ nông nghiệp cũ chuyển đổi theo Luật HTX 2012, trụ sở được UBND các xã, phường bố trí 1 phòng làm việc. Trong khi đó, trụ sở làm việc còn là điểm giao dịch giữa HTX với đối tác, nơi chứa hàng hóa, vật tư nông nghiệp

Nguyên nhân là các HTX sử dụng đất nhiều năm, nhưng chưa quan tâm lập thủ tục kê khai đăng ký để được cấp GCNQSDĐ; cán bộ HTX chưa nắm bắt được các thủ tục kê khai đăng ký về đất đai để chủ động triển khai; phần lớn đất các HTX đang sử dụng do UBND xã, phường cấp không có giấy tờ, khó xác minh nguồn gốc đất, dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục cấp GCNQSDĐ. Nhiều địa phương thiếu quan tâm trong hướng dẫn, phối hợp cơ quan chức năng giải quyết khó khăn về cấp GCNQSDĐ cho các HTX. Không ít địa phương thừa nhận rằng, quỹ đất công còn hạn chế, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với HTX còn nhiều vướng mắc…

HTX Việt Hoàng (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) đặt trụ sở giao dịch ngay tại nhà.

Theo ông Bùi Việt Hùng, Phó Phòng Kinh tế hợp tác và trang trại (Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT), để hỗ trợ các HTX nông nghiệp sớm có trụ sở làm việc, tỉnh cần chỉ đạo các địa phương sớm quy hoạch, dành quỹ đất cho HTX xây dựng trụ sở, văn phòng. Trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch, HĐND, UBND tỉnh cũng cần xem xét có chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để HTX thuê đất xây dựng trụ sở hoặc thuê trụ sở.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hòa, đại diện HTX Việt Hoàng (phường Hà Khẩu, TP Hạ Long), cho rằng: Tỉnh có thể bố trí một quỹ đất riêng để các HTX nông nghiệp đặt trụ sở giao dịch và giới thiệu sản phẩm tại cùng một địa điểm. Như vậy, khách hàng khi đến giao dịch, tham quan, mua sắm sẽ không phải di chuyển nhiều nơi mà có thể xem được nhiều mặt hàng, có thể ký hợp đồng ngay tại địa điểm đó. Nghĩa là bên cạnh việc tổ chức các hội chợ OCOP, có thể xây dựng một “chợ OCOP” hoạt động hằng ngày, bởi phần lớn các sản phẩm OCOP của tỉnh hiện do các HTX nông nghiệp sản xuất.

Hoàng Nga

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202101/nhieu-htx-nong-nghiep-thieu-tru-so-lam-viec-2516405/