Nhiều học sinh giỏi có xu hướng tự hủy hoại bản thân

Một nghiên cứu vừa chỉ ra, tỉ lệ học sinh có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân có xu hướng tập trung ở học sinh giỏi, khá và trung bình...

Chiều 12/11, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức họp hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ “Hiện tượng hủy hoại bản thân của học sinh THCS và biện pháp phòng ngừa” do PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM làm chủ nhiệm (cùng 9 thành viên khác).

Học sinh đang phải học quá nhiều. Ảnh minh họa

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Sơn nói "tự hủy hoại bản thân" là những hành vi tự làm tổn thương, làm mình đau đớn, mệt mỏi với các dấu hiệu cụ thể về mặt thể xác và lâm sàng. Nhiều khi chính chủ thể cũng không nhận ra hay không cảm nhận một cách cụ thể.

Kết quả được thực hiện ngẫu nhiên với hơn 1.000 học sinh tại 7 trường THCS ở TP HCM và Bình Dương trong hai năm (6/2016-6/2018), từ đó sàng lọc được 280 trường hợp có biểu hiện tự hành hạ bản thân.

Về nguyên nhân, khảo sát cho thấy nhiều học sinh được khảo sát cho rằng không biết rõ lý do nhưng thấy cuộc sống dễ chịu hơn khi thực hiện hành hủy hoại bản thân, đây là cách quên đi những ký ức đau buồn, cảm thấy chán ghét cơ thể mình…

Đáng chú ý, về kết quả học tập thì có tới 99 học sinh giỏi, 110 học sinh khá, 51 học sinh trung bình, 17 học sinh yếu và 3 học sinh kém.

Số liệu thống kê cho thấy học sinh có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân có xu hướng tập trung ở học sinh giỏi, khá và trung bình. Về hạnh kiểm, có 168 học sinh có hạnh kiểm tốt, 50 khá, 25 trung bình, 24 yếu và 13 kém. Hoàn cảnh gia đình, học sinh đều có nét tương đồng, đa số ở mức vừa đủ sống.

Về nguyên nhân, nghiên cứu cho thấy không phải các em bị sức ép từ gia đình, xã hội mà chính các em kỳ vọng quá cao về mình. Một số em bị bạn bè công kích, ép buộc hoặc bắt chước theo trào lưu tôn thờ cảm xúc.

Chủ nhiệm đề tài này cho rằng, hiện tỷ lệ gặp phải những rối loạn tâm thần học đường ngày càng cao.

"Học sinh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn tâm lý trong việc lựa chọn những giá trị của thời đại. Vì vậy, học sinh tuổi dậy thì có những hành động tự tổn hại, tự hành hạ mình trở thành một biểu hiện đáng xem xét", ông Sơn cho hay.

Học sinh cũng chỉ là một con người!

Cùng với những nguyên nhân được nhóm nghiên cứu chỉ ra, áp lực về học hành cũng được xem là một yếu tố khiến nhiều học sinh bị rối loạn tâm lý.

Tại buổi góp ý cho Dự thảo luật Giáo dục sửa đổi, các ĐBQH cũng phải thương cảm trước tình cảnh học hành quá nhiều, học sinh học quá khổ.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) bình luận rằng dù giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu, nhưng trên thực tế cũng có những việc, những vấn đề chưa thực sự quốc sách. "Thực tiễn vừa qua tôi cảm nhận rằng chỉ số hạnh phúc của học sinh chưa cao, sự hài lòng của phụ huynh chưa cao" - ông Thưởng nói.

Nêu ví dụ, đại biểu Thưởng cho rằng nặng nề nhất với học sinh phổ thông hiện nay vẫn là nội dung, chương trình học rất nặng. Ông Thưởng nêu ví dụ môn lịch sử toàn sự kiện, con số, chương trình thì có tới mười mấy môn.

"Nhiều học sinh bây giờ không hạnh phúc khi thầy cô và cha mẹ bắt phải giỏi mọi thứ. Thi cử thì tôi đề nghị phải xem xét lại, theo hướng thi tốt nghiệp THPT thì nhẹ nhàng nhưng thi ĐH phải chọn được người tài" - ông bày tỏ.

Câu chuyện trên cũng từng gây bão sau bức tâm thư thống thiết của một học sinh mới vào cấp 3, luôn giữ danh hiệu học sinh giỏi từ lớp 1 tới lớp 9 tại TP.HCM được gửi tới “các bác lãnh đạo, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo”.

Trong thư, bạn học sinh đã phải thú nhận sự thật rằng, cuộc đời của mình cũng như các bạn học sinh khác chỉ là thức dậy, đi học trên trường, đi học thêm, về nhà và lặp lại.

"Qua nhiều năm, niềm đam mê học tập của cháu dần mất đi.

Cháu bắt đầu kiệt sức, chán nản và tuyệt vọng khi nghe đến chữ HỌC.

Không biết tự bao giờ, thời gian chúng cháu đi học còn nhiều hơn khoảng thời gian chúng cháu được ngủ. Đối với cháu, càng học cao hơn, kiến thức càng trở nên vô nghĩa", bức tâm thư viết.

Không chỉ vậy, bạn học sinh này còn cho biết, phải chịu áp lực nặng nề từ thầy cô, phụ huynh và cả xã hội.

Học sinh này chia sẻ: "Một lớp học phải có từ 40 em được học sinh Giỏi, Khá và không được có học sinh Trung bình.

Đã đi học thì các môn tổng kết cả năm phải từ 8 điểm trở lên, thậm chí là cao hơn. Tỉ lệ tốt nghiệp của trường sau một năm phải đạt 90% trở lên, có trường phải giữ vững mục tiêu là 100%.

Cháu đã nhiều lần suy nghĩ về những gì chúng cháu đang được học. Càng nghĩ, cháu càng cảm thấy nản hơn khi cháu nhận ra mình gần như không thể tiếp nhận những kiến thức nhà trường dạy".

Phụ huynh Việt chỉ thích điểm 10: 'Tư duy học làm quan'

Áp lực dồn nén dường như khiến bạn không thể giấu diếm, bạn học sinh phải thốt lên rằng "cháu sợ lắm!". Sợ một ngày mới bắt đầu là một ngày đi học lại đến. Sợ giờ khảo bài, kiểm tra; sợ khi nhìn các bạn đồng trang lứa ăn vội vàng cái bánh bao và ánh mắt đờ đẫn, vô hồn...

Cuối cùng qua tâm thư, bạn học sinh đã phải cất lời cầu xin một cách thống thiết:

"Xin hãy cho chúng con được sống. Xin cho phép chúng con được sống trong những tháng năm tuổi học trò một cách trọn vẹn nhất có thể...

HỌC SINH CŨNG CHỈ LÀ CON NGƯỜI, KHÔNG PHẢI MÁY MÓC”.

Sau khi bức thư này được đăng tải, trên các trang Facebook cá nhân, có rất nhiều bình luận từ bậc phụ huynh. Họ đều có chung một cảm xúc thương xót.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/nhieu-hoc-sinh-gioi-co-xu-huong-tu-huy-hoai-ban-than-3369055/