Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước

Chiều 28-4, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn công tác đến thăm các đơn vị, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4- 2020).

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm, tặng hoa Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Ảnh: Báo SGGP

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm, tặng hoa Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Ảnh: Báo SGGP

Đến thăm Bộ Tư lệnh Quân khu 7, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Đại thắng mùa Xuân 1975 là một trong những chiến công oanh liệt của thời đại Hồ Chí Minh. Cùng với quân và dân cả nước, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 7 không những góp công sức to lớn trong chiến thắng đó mà còn chứng tỏ bản lĩnh, là lực lượng nòng cốt đi đầu, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, giữ gìn sự ổn định, chung sức đồng lòng xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh. Vừa qua, LLVT của Quân khu có đóng góp quan trọng cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố chủ động phòng, chống đại dịch Covid-19 thành công.

Đồng chí chúc các cán bộ, chiến sĩ LLVT của Quân khu sức khỏe, chủ động, sáng tạo, kiên cường vượt mọi khó khăn, xứng đáng là lá chắn thép nơi miền nam, thành đồng Tổ quốc.

Đến thăm Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Cụm trưởng Tình báo H63, thay mặt đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cảm ơn sự hy sinh, mất mát, gian lao của Đại tá Nguyễn Văn Tàu đối với cách mạng; đồng thời khẳng định đồng chí mãi là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.

Trước đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác đến thăm Đại tá Từ Đễ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Phó Cục trưởng Quân huấn, thành viên Phi đội Quyết thắng đánh trận ngày 28-4-1975 vào sân bay Tân Sơn Nhất; thăm gia đình Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng.

* Hướng tới kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, ngày 28-4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức tọa đàm trực tuyến “Từ Hiệp định Pa-ri về Việt Nam đến đại thắng Mùa xuân năm 1975: Vai trò của Mặt trận Ngoại giao góp phần vào thắng lợi lịch sử 30-4”, dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao. Tham dự có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham gia trực tiếp vào quá trình đấu tranh ngoại giao đi đến Hiệp định Pa-ri (27-1-1973), các nhân chứng lịch sử, nhà nghiên cứu, cùng đông đảo đại diện các đơn vị Bộ Ngoại giao và Học viện Ngoại giao.

Nhiều tham luận và ý kiến phát biểu đi sâu phân tích một số vấn đề lịch sử trong giai đoạn đàm phán Hiệp định Pa-ri; nhất trí cho rằng, quá trình đàm phán và đấu tranh ngoại giao thực thi Hiệp định Pa-ri đã để lại nhiều bài học quý báu, còn nguyên giá trị cho công tác đối ngoại hiện nay. Đó là sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong công tác đối ngoại; giương cao tư tưởng độc lập, tự chủ trong hoạch định chính sách, nhất là trên vấn đề đối ngoại; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sự thống nhất đoàn kết và sự phối hợp chặt chẽ giữa mặt trận ngoại giao với mặt trận quân sự, đã góp phần tạo nên thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975.

* Ngày 28-4, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020), tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp Cục Chính trị Quân khu 7, Cục Chính trị Binh chủng Đặc công tổ chức triển lãm chuyên đề “Mùa xuân Đại thắng”. Triển lãm giới thiệu gần 300 tài liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu, chia làm bốn phần: Phần mở đầu; Tiến về Sài Gòn; Sức mạnh lòng dân và Âm vang Mùa xuân Đại thắng. Đặc biệt, triển lãm giới thiệu hai Bảo vật quốc gia, gồm: Sổ trực ban tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh, do các sĩ quan làm nhiệm vụ trực ban tác chiến của Bộ Chỉ huy Chiến dịch ghi lại diễn biến các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn tháng 4-1975; Tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh (phục chế) do Phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền nam Việt Nam sử dụng từ ngày 15-4-1975 đến ngày 21-4-1975 tại Sở Chỉ huy Chiến dịch ở Tà Thiết, Lộc Ninh, Bình Phước. Triển lãm kéo dài đến tháng 8-2020.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44282302-nhieu-hoat-dong-ky-niem-ngay-giai-phong-hoan-toan-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc.html