Nhiều hộ kinh doanh xin miễn giảm thuế

Theo Cục Thuế Hà Nội, 2 tháng đầu năm 2020 có hơn 2.600 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh và 6.400 hộ nghỉ kinh doanh. Lượng doanh nghiệp giải thể, tạm nghỉ kinh doanh tăng từ 22 - 37,8%.

Ngay tại khu chợ lớn nhất Hà Nội là chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), hàng trăm tiểu thương cũng đang gặp khó khăn. Các tiểu thương đã gửi đơn đề nghị miễn giảm, hỗ trợ nộp tiền thuê ki-ốt, vì hầu hết các gian hàng kinh doanh vải, giày dép, vali, đồ điện tử… đều rơi vào tình trạng ế ẩm. Thậm chí, nhiều ki-ốt chuyên bán quần áo người lớn đã tạm thời đóng cửa vì không có người mua.

Một nhà hàng trên phố Nguyễn Đình Thi đã phải đóng cửa vì vắng khách. Ảnh: MP.

Một nhà hàng trên phố Nguyễn Đình Thi đã phải đóng cửa vì vắng khách. Ảnh: MP.

Theo một chủ quán cà phê trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội), thuế khoán mà cửa hàng cần nộp trong năm nay là 250.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch khiến cửa hàng vắng khách. Hai tháng đầu năm, cửa hàng còn không đạt doanh thu 200.000 đồng/ngày, trong khi vẫn phải trả tiền thuê cửa hàng, tiền điện, nhân công...

Chị Nguyễn Thị Thắm, chủ cửa hàng thời trang trên phố Cầu Giấy cho biết: Sau khi dịch bùng phát, cửa hàng hầu như không có khách đến mua sắm, doanh thu giảm một nửa so với những tháng khác. Cửa hàng đã phải đóng cửa tạm thời, trả lại mặt bằng cho chủ và chuyển hướng sang kinh doanh online.

Trên các tuyến phố đông đúc của Hà Nội như: Cầu Giấy, Xã Đàn, Láng Hạ..., nhiều cửa hàng kinh doanh, buôn bán đều phải tạm thời đóng cửa, cho thuê mặt bằng. Các địa điểm mua sắm vốn tấp nập giờ cũng không có khách, sức mua giảm hẳn do người dân hạn chế ra ngoài. Đặc biệt, hàng loạt quán bia hơi, nhà hàng, quán ăn vỉa hè đều "méo mặt" vì vắng khách.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chị Vũ Thanh Hương, chủ Tây Bắc Quán, ở 12 Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: Thời gian gần đây, hàng quán đều “khóc dở, mếu dở” vì khách sụt giảm tới 70%. Những nhà hàng mới mở từ 2 - 3 năm đều trong tình trạng khó duy trì vì thua lỗ triền miên nên phải rao bán, chuyển nhượng...

Trước thực tế trên, Cục Thuế TP Hà Nội đang triển khai các giải pháp miễn, giảm, gia hạn nộp thuế để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất bị ảnh hưởng. Cục Thuế TP Hà Nội căn cứ các quy định của pháp luật để hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại bởi dịch bệnh lập hồ sơ, gửi thủ trưởng cơ quan quản lý thuế trực tiếp đề nghị miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế, nhất là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt may; điện tử, máy vi tính; sản xuất, lắp ráp ôtô; vận tải, kho bãi và các hoạt động hỗ trợ vận tải; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức du lịch… Đối với các tiểu thương có đơn xin giảm thuế khoán do thay đổi doanh thu, Cục Thuế hướng dẫn, hỗ trợ, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ giảm thuế của cá nhân kinh doanh.

Đối với các trung tâm thương mại, các chợ có đơn xin giảm thuế tập thể, Cục Thuế khảo sát doanh thu theo từng ngành nghề, xin ý kiến tư vấn thuế của hội đồng tư vấn thuế, ban quản lý chợ để thực hiện theo đúng thực tế. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh, Cục Thuế có chỉ đạo kịp thời, bảo đảm đúng chủ trương và mục tiêu đề ra.

Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, ông Mai Sơn đã yêu cầu, các phòng, các chi cục thuế và toàn thể cán bộ, công chức ngành thuế tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy năng lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao tại từng vị trí công tác; giao Phòng Kiểm tra nội bộ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của cán bộ công chức, xử lý nghiêm trường hợp cán bộ công chức lợi dụng chính sách, làm sai quy định. Đồng thời, các chi cục thuế đánh giá, phân loại báo cáo UBND quận, huyện, thị xã các khó khăn, vướng mắc để chia sẻ và có giải pháp phù hợp, hiệu quả, kịp thời tháo gỡ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế.

Lãnh đạo Cục Thuế yêu cầu các chi cục thuế cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người nộp thuế nắm bắt các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh an tâm kinh doanh; cần đánh giá, phân loại đúng thực trạng, đúng tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh trên địa bàn, từ đó báo cáo UBND quận, huyện, thị xã các khó khăn, vướng mắc để chia sẻ và có giải pháp tháo gỡ phù hợp, hiệu quả.

V.Tôn - M.Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/nhieu-ho-kinh-doanh-xin-mien-giam-thue-20200320170719251.htm