Nhiều hồ đầm ở Hà Nội thành nơi... ăn nhậu

Trong khi hàng loạt khu dân cư tại Hà Nội đang ngột ngạt do thiếu trầm trọng diện tích công viên, mặt nước, cây xanh, thì tình trạng các khu hồ bị cho thuê hoặc lấn chiếm làm nhà hàng, quán nhậu lại diễn ra ở nhiều nơi khiến dư luận bức xúc.

Nhà hàng Sen Đầm Trị đã trở thành một địa điểm ăn uống tấp nập. Ảnh: PV

Nhà hàng Sen Đầm Trị đã trở thành một địa điểm ăn uống tấp nập. Ảnh: PV

Người dân bức xúc

Đến khu vực hồ Đầm Trị (thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) vào một ngày giữa tháng 3, đập vào mắt chúng tôi là căn nhà sàn dài khoảng 200m, xiên thẳng ra giữa hồ, phía dưới là nhiều cột trụ bê tông. Theo lời bà Nguyễn Thanh M (75 tuổi), tình trạng hồ Đầm Trị bị sử dụng làm nhà hàng, quán ăn ngày càng trở nên phổ biến. “Trước đây người dân chúng tôi có kiến nghị lên cơ quan chức năng. Nhưng rồi chẳng hiểu sao càng kêu thì hồ càng bị "teo tóp" lại bởi các nhà hàng, quán ăn”, bà M thở dài.

Theo quan sát của PV, khu vực mà bà M nói đến hiện có một nhà hàng với cái tên mỹ miều "Nhà hàng Sen Đầm Trị". Phía ngoài nhà hàng này, lúc nào cũng có rất nhiều ô tô, xe máy của thực khách.

Cách nhà hàng Sen Đầm Trị không xa, một căn nhà tôn cũng “hiên ngang” mọc lên giữa lòng hồ, đoạn gần chùa Phổ Linh Tây Hồ. Căn nhà này được nối với “đất liền” bằng một cây cầu gỗ dài hàng chục mét. Theo bà M, đó là công trình của một người dân trong địa bàn dựng lên.

Ngoài 2 căn nhà trên, tại khu vực ven hồ phía đường Quảng Khánh, rất nhiều chất thải rắn được người ta đổ xuống, chúng được giữ lại bằng các bìa tôn to, rộng. Thậm chí, có khu vực còn được gia cố bằng các bao đất chất chồng lên nhau, đỡ lại bởi các cọc gỗ. Cách làm này tạo thành những khoanh đất để có thể buôn bán, kinh doanh. Dĩ nhiên là mặt hồ sẽ bị thu hẹp lại.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Đặng Văn Hồi, Phó chủ tịch UBND phường Quảng An cho biết, khu vực nhà hàng Sen Đầm Trị là khu đất công thuộc quản lý của UBND phường. Khu đất này đã được một cá nhân có tên Hoàng Văn Lai thuê lại gần 20 năm nay. Hàng năm, giữa UBND phường và phía nhà hàng có ký kết một hợp đồng cho thuê làm địa điểm kinh doanh.

“Hiện tại, hồ sơ khu đất này đã được chuyển lên UBND quận Tây Hồ để triển khai đấu thầu theo quy định mới của Thành phố. Phòng TNMT quận Tây Hồ hiện đang thẩm định”, ông Hồi cho biết.

Khu vui chơi bị sử dụng sai mục đích

Một góc hồ Rùa vào buổi tối.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định năm 2011, công viên hồ Thành Công thuộc khu vực hạn chế phát triển, được xác định chức năng là đất công cộng, hỗn hợp, đất hồ nước, cây xanh và công viên vui chơi giải trí.

Tuy vậy, trong công viên, một diện tích lên đến hàng ngàn m2 đã được giao cho Hội cây cảnh nghệ thuật Thăng Long từ nhiều năm nay để trưng bày, chăm sóc cây cảnh, đón người dân vào tham quan. Theo quan sát, khu vực này đã được quây tôn 4 phía, có trụ cổng đàng hoàng, bên trong còn dựng 2 khu nhà tôn. Bên cạnh đó, tại đây còn diễn ra hoạt động buôn bán cây cảnh.

“Do khu vực này thiếu trầm trọng khu vui chơi, giải trí nên người dân chúng tôi đã nhiều lần đề xuất với UBND phường về việc thu hồi khu đất này để làm khu công cộng nhưng không được”, bà Nguyễn Thị Hạnh (72 tuổi, phường Thành Công) cho biết.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Huy Toàn, Chủ tịch UBND phường Thành Công cho hay: UBND phường Thành Công và Sở TNMT đã đề xuất UBND TP Hà Nội thu hồi khu đất này để phục vụ cho mục đích vui chơi, giải trí của người dân. Đến nay đề xuất này vẫn đang được cấp thành phố xem xét.

Tiếp đến là hồ Rùa (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân). Từ khoảng 4h chiều trở đi, hàng trăm bộ bàn ghế được các nhà hàng trải rộng theo vòng cung của hồ. Nhìn từ xa, khu vực lòng hồ trở nên nổi bật với màu xanh ngắt của bàn ghế và không khí rộn ràng như lễ hội.

Theo tìm hiểu, khu vực này đã được các nhà hàng trưng dụng làm địa điểm kinh doanh từ nhiều tháng nay. Các nhà hàng lẩu nướng, bia hơi mỗi ngày có thể tiếp đến cả ngàn thực khách. Tình trạng xe cộ, bàn ghế để tràn lan xung quanh hồ gây bức xúc cho người dân trong khu vực.

Chị Nguyễn Thị Mai (Phường Phương Liệt, Thanh Xuân) cho biết, hồ Rùa từ sau khi cải tạo đã trở thành địa điểm vui chơi, tản bộ của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ và các cháu nhỏ. “Tuy vậy, từ ngày các hàng quán xung quanh hoạt động kinh doanh, lấn chiếm nghiêm trọng khu vực hồ, người dân mất đi không gian vui chơi, giải trí, ai cũng bất bình”, chị Mai cho biết.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội cho biết: “Việc trưng dựng, lấn chiếm hồ là sai và cần phải xử lý triệt để, nhất là tình trạng dựng nhà ở bên trong gây ảnh hưởng đến cảnh quan, kết cấu khu vực ở hồ Thành Công”. Ông Nghĩa khẳng định sẽ cho tiến hành kiểm tra lại các khu vực nói trên và thông tin đến Báo Gia đình & Xã hội trong thời gian sớm nhất.

5 năm, diện tích mặt nước ao hồ của Hà Nội giảm hơn 72.000m2

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, theo khảo sát của đơn vị này vào năm 2015 đưa ra kết quả 17 ao hồ ở Hà Nội đã bị san lấp hoàn toàn trong giai đoạn 2010 - 2015. Tổng diện tích mặt nước ao hồ của Hà Nội sau 5 năm giảm đi hơn 72.000m2. Diện tích này rộng gấp 1,5 hồ Thành Công hiện nay.

Theo bà Lý, tình trạng lấn chiếm ao hồ làm địa điểm kinh doanh sẽ gây những hệ lụy không nhỏ về mặt hiện trạng và môi trường đối với khu vực hồ. “Việc lấn chiếm, gây ô nhiễm cho các ao, hồ sẽ diễn ra dễ dàng nếu chính quyền phường sở tại buông lỏng quản lý”, bà Lý nhấn mạnh.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhieu-ho-dam-o-ha-noi-thanh-noi-an-nhau-20180313092440347.htm