Nhiều hiệu quả từ công nghệ BIM trong xây dựng

Nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong việc ứng dụng BIM trong quản lý thiết kế, thi công, bảo trì các công trình xây dựng; nâng cao vai trò của BIM trong việc trợ giúp công tác quản lý nhà nước về xây dựng, ngày 15/5, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Công tác phía Nam (Bộ Xây dựng) phối hợp với Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo về 'Ứng dụng BIM trong quản lý các hoạt động xây dựng'.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Xây dựng) - cho biết, hiện nay công nghệ Mô hình thông tin công trình (chúng ta hay gọi tắt là BIM) đang nở rộ, được chính phủ và ngành xây dựng của nhiều quốc gia ứng dụng, phổ biến rộng rãi, đặc biệt tại châu Á thì Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore là những nước quy định phải ứng dụng BIM trong khu vực đầu tư công trong xây dựng.

Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Xây dựng) phát biểu tại hội thảo

Ông Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Xây dựng) phát biểu tại hội thảo

Theo số liệu nghiên cứu của các chuyên gia cùng kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia trên thế giới, tùy thuộc vào mức độ áp dụng trong dự án đầu tư xây dựng và loại hình dự án, mà BIM có thể giúp tiết kiệm được từ 5-20% tổng chi phí đầu tư ban đầu và có thể giúp tiết kiệm lên đến 30% tổng chi phí vận hành bảo trì trong giai đoạn sử dụng.

Theo ông Hải, ứng dụng BIM sẽ là môt trong những công nghệ chủ đạo của ngành xây dựng trong nhiều thập niên sắp tới, đồng thời có khả năng giúp lĩnh vực thiết kế, xây dựng và quản lý công trình, đồng bộ hóa, tự động hóa và thông minh hóa quá trình thiết kế, sản xuất, lắp đặt và bảo trì và giải quyết được các vấn đề lãng phí, năng suất thấp và thiếu hiệu quả đang tồn tại phổ biến hiện nay; BIM là mũi nhọn, tiêu biểu của việc áp dụng công nghệ 4.0 trong kỉ nguyên số.

Được biết, Bộ Xây dựng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 về việc phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Đề án đề xuất lộ trình 5 năm (2015-2020) để thúc đẩy việc sử dụng BIM ở Việt Nam, hướng tới xây dựng hành lang pháp lý và tạo sự đồng thuận trong xã hội tiến tới áp dụng BIM một cách rộng rãi.

Trong đó việc học hỏi tham khảo kinh nghiệm thành công từ những nước tiên tiến, những doanh nghiệp đã áp dụng thành công công nghệ BIM sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-hieu-qua-tu-cong-nghe-bim-trong-xay-dung-119715.html