Nhiều hiện vật nghìn năm tuổi tại di tích Chăm Phong Lệ

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện thêm nhiều hiện vậtcó giá trị tại di tích Chăm Phong Lệ thuộc địa phận tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.

Ngày 8-8, thông tin từ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng: Từ ngày 18-7 đến nay, đoàn khảo cổ Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) Hà Nội đã phối hợp với Bảo tàng Chăm Đà Nẵng tiến hành khai quật lần 3 và phát hiện được thêm nhiều hiện vật có giá trị tại di tích Chăm Phong Lệ thuộc địa phận tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.

Đoàn khảo cổ Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) Hà Nội đã tiến hành khai quật lần 3 và phát hiện được thêm nhiều hiện vật có giá trị tại di tích Chăm Phong Lệ thuộc địa phận tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.

Tượng sư tử Sinha được phát hiện tại khu di tích Chăm làng Phong Lệ.

Cụ thể, đoàn khảo cổ đã tiến hành khai quật trên diện tích hơn 300m2 tại di tích này. Và đã phát hiện nhiều hiện vật đá có giá trị như: tượng sư tử Sinha, đầu chim thần Garuda, bệ thờ voi, cùng hiện vật trang trí mái của tháp có hình rắn Laga và kiểu dáng hoa văn đặc sắc, gạch xây đền tháp...

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Mạnh, bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội cho biết: “Đây là hiện vật nằm trên địa tầng và đến từ một nơi rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, hiện vật quý này đã bổ sung vào quỹ hiện vật trưng bày cũng như làm phong phú thêm quá trình nghiên cứu của Bảo tàng điêu khắc Chăm. Sau khi kết thúc khai quật, đoàn nghiên cứu sẽ tổng hợp tư liệu và so sánh các mô típ trang trí cũng như bình đồ kiến trúc, xác định niên đại”, ông Nguyễn Hữu Mạnh cho biết.

Theo Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - ông Hồ Tấn Tuấn cho hay, công tác bảo tồn hiện vật quý đang được Đà Nẵng hết sức quan tâm. Riêng Bảo tàng điêu khắc Chăm sẽ hình thành một khu trưng bày dành cho di tích Chăm Phong Lệ.

Cũng theo ông Tuấn: Hiện tại bảo tàng có khu vực riêng trưng bày hiện vật Chăm Phong Lệ có giá trị như: Linga, bò thần Nandin (vật cưỡi của thần Siva), tượng sư tử, tượng voi, tượng thần Visnu... Sau hai lần khai quật vào năm 2011 và 2012, đến đợt khai quật thứ 3 này, với những hiện vật mới được phát hiện, điều này càng khẳng định Đà Nẵng vẫn còn khu phế tích tháp Chăm có giá trị đặc biệt, niên đại trên 1.000 năm.

Công tác bảo tồn hiện vật quý đang được Đà Nẵng hết sức quan tâm. Riêng Bảo tàng điêu khắc Chăm sẽ hình thành một khu trưng bày dành cho di tích Chăm Phong Lệ.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao phải bảo tồn nguyên trạng phế tích này để làm điểm tham quan cho người dân và du khách. Đồng thời đề nghị xếp hạng di tích cấp thành phố, sau đó nghiên cứu đề xuất cấp quốc gia.

Hoài Thu

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/phat-hien-them-nhieu-hien-vat-co-gia-tri-tai-di-tich-cham-phong-le-co-nien-dai-tren-1-000-nam-505128/