Nhiều hệ lụy từ nạn cho công nhân vay nặng lãi

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi, chuyên nhắm vào đối tượng là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.

Công an địa phương đã triệt phá một số băng nhóm, giúp công nhân thoát khỏi vòng vây của các đối tượng côn đồ. Tuy vậy, về phía công nhân, không ít người vì hoàn cảnh khó khăn vẫn phải vay “nóng” để có tiền trang trải cuộc sống dẫn đến những hậu quả khôn lường, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội phức tạp…

Công nhân "sập bẫy" vay tiền với lãi suất "cắt cổ"

Ngày 15-9-2018, thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Phú Giáo triệt xóa băng nhóm chuyên cho công nhân vay tiền nặng lãi, hoạt động trên địa bàn huyện và các khu vực lân cận. Đối tượng cầm đầu băng nhóm là Lưu Văn Hải (27 tuổi) và Đồng Văn Hùng (21 tuổi), cùng quê Hải Phòng.

Hình thức hoạt động của băng nhóm này là dụ dỗ khách hàng vay tiền với lãi suất rất cao, đối tượng chúng nhắm đến là các công nhân đang làm việc tại Bình Dương. Khi vay tiền của chúng, người vay sẽ phải trả lãi mẹ lẫn lãi con, đến khi không đủ khả năng chi trả, chúng sẽ đến nhà lấy tài sản có giá trị để thế chấp nợ.

Theo kết quả điều tra ban đầu, vào chiều 10-9, tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, Công an huyện Phú Giáo kiểm tra, phát hiện hai đối tượng cho công nhân, người lao động vay nặng lãi dươíhình thức “núp bóng” là cho vay tiêu dùng.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an thu giữ tang vật gồm 120 tờ rơi có nội dung hỗ trợ tài chính và cho vay trả góp, hơn 11 triệu đồng tiền mặt, 2 giấy đăng ký xe, 2 chứng từ giao dịch ngân hàng… Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý hai đối tượng Lưu Văn Hải và Đồng Văn Hùng, đồng thời mở rộng điều tra vụ án.

Tờ rơi của băng nhóm Lưu Văn Hải và Đồng Văn Hùng.

Ngoài vụ việc này, gần đây trên địa bàn tỉnh Bình Dương xuất hiện nhiều tổ chức cho vay nặng lãi, chuyên nhắm vào đối tượng là công nhân đóng trên địa bàn.

Ngày 22-8-2018, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Công an TP Thủ Dầu Một kiểm tra, phát hiện 4 đối tượng đang cất giấu 55 tờ rơi quảng cáo cho vay nặng lãi…

Ngày 18-8, Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) cũng bắt giữ đối tượng Vũ Ngọc Cường (26 tuổi, quê Bắc Kạn) cùng 9 thanh niên khác để điều tra hành vi cố ý gây thương tích và cho vay nặng lãi.

Theo đó, Cường được chủ tiệm cầm đồ giao đi thu tiền vay trả góp thì xảy ra mâu thuẫn với một nhóm công nhân xây dựng. Ngay sau đó, Cường đã gọi 9 thanh niên mang theo tuýp sắt, gậy gỗ đến truy sát khiến hai công nhân Trần Văn Hùng (26 tuổi, quê Nghệ An) và Nguyễn Duy Ngọc (25 tuổi, quê Ninh Thuận) bị thương nặng.

Trong lúc đang hành hung hai công nhân này, Cường cùng đồng bọn đã bị Công an ập đến bắt giữ. Cơ quan chức năng thu giữ nhiều giấy tờ cho vay với lãi suất “cắt cổ”, cùng nhiều hung khí khi khám xét tiệm cầm đồ.

Trước đó, vào đầu tháng 8, Công an thị xã Dĩ An cũng bắt giữ Nguyễn Công Trường (26 tuổi, ngụ Đắk Lắk) cùng 7 đối tượng khác về hành vi bắt giữ người trái pháp luật, hoạt động tín dụng “đen”.

Theo điều tra, công nhân Phạm Văn Lợi (28 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An) đến Công ty TNHH Nhất Tín (trụ sở ở khu phố Nhị Đồng, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An) để vay số tiền 25 triệu đồng với lãi suất 15%/tháng.

Sau khi vay tiền, anh Lợi đóng tiền lãi được vài tháng rồi mất khả năng chi trả. Công ty Nhất Tín đã cử 16 đối tượng do Nguyễn Công Trường cầm đầu đi bắt công nhân Lợi về ép viết giấy nợ và thu giữ chiếc xe máy để trừ nợ.

Một số đối tượng – người của Công ty Nhất Tín bị bắt giữ.

Qua khám xét văn phòng Công ty Nhất Tín, cơ quan Công an đã thu giữ hơn 500 hợp đồng cho vay nặng lãi (chủ yếu là công nhân), nhiều sổ sách, chứng từ, phương tiện phục vụ cho hoat động tín dụng “đen”, 9 xe gắn máy, nhiều hung khí dùng để đòi nợ. Kết quả thống kê sơ bộ, nhóm này đã cho nhiều công nhân trên địa bàn Bình Dương vay với số tiền hơn 4 tỷ đồng…

Theo lời một số công nhân, khi đến vay tiền, Công ty Nhất Tín sẽ giữ lại toàn bộ bản chính các loại giấy tờ của người vay tiền như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, cà-vẹt xe…

Sau đó, nhân viên công ty này soạn hợp đồng cho chính chủ tài sản thuê lại tài sản của chính mình. Lúc đó, người vay mới nhận được tiền vay (số tiền vay cũng không được nhận đủ mà bị khấu trừ một khoản “phí vay tiền”).

Điều đáng sợ là mức lãi suất cho vay của công ty này lên tới từ 7,5 - 20%/tháng (gấp 18 lần lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại), hoặc vay trả góp hàng ngày, góp hàng tuần, góp hàng tháng, tùy từng trường hợp.

Trường hợp người vay tiền không có khả năng đóng lãi, trả nợ, Công ty Nhất Tín sẽ “lệnh” cho các nhân viên đe dọa, gây sức ép, khủng bố tinh thần, thậm chí hành hung khiến người vay phải hoảng sợ, về quê bán nhà bán đất, hoặc bỏ của chạy lấy người. Và hậu quả là tài sản thế chấp sẽ bị công ty này chiếm đoạt…

Theo lãnh đạo Công an thị xã Dĩ An, trên toàn thị xã có 212 tiệm cầm đồ, trong đó có 5 cơ sở và 1 băng nhóm chuyên hoạt động tín dụng “đen”. Ngoài ra, còn có hàng chục đối tượng hình sự và một số cơ sở cho vay tài chính hoạt động không phép.

Các đối tượng cho vay dụ dỗ công nhân ngay tại các khu nhà trọ, khu công nghiệp. Chúng quảng bá, quảng cáo trá hình, đánh vào nhu cầu nên rất nhiều công nhân “sập bẫy”. Vì vậy, Công an thị xã Dĩ An đã có kế hoạch tấn công loại tội phạm này, nhất là tại các khu vực giáp ranh giữa Bình Dương và TP Hồ Chí Minh.

Tang vật thu giữ của Công ty Nhất Tín.

Nhiều hệ lụy về mặt an ninh trật tự

Từ những vụ việc kể trên, và hiện tại bất cứ ai đi lại trên các nẻo đường của TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ đều dễ dàng thấy những tờ quảng cáo “cho vay tiền với lãi suất thấp, không cần thế chấp, giải ngân nhanh”, kèm theo đó là số điện thoại để khách hàng tiện liên lạc được dán tràn lan hoặc được rải theo dạng tờ rơi ở khắp nơi.

Và từ đây ẩn chứa rất nhiều cạm bẫy rình rập những người túng tiền, nhất là thành phần công nhân có hoàn cảnh khó khăn lỡ vay tiền của chúng. Theo đó, cứ lãi mẹ đẻ lãi con, lương công nhân không đủ trả nợ dẫn đến số nợ ngày càng phình to. Nhiều công nhân trở thành con nợ phải bỏ trốn về quê, thậm chí có trường hợp cùng quẫn phải tự tử để thoát nợ.

Riêng tỉnh Bình Dương, hiện có 29 khu công nghiệp (KCN), 17 cụm công nghiệp (CCN), 1 khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị... Các khu, cụm công nghiệp (KCCN) và cơ sở kinh doanh tập trung chủ yếu tại các khu vực đô thị hóa nhanh, được xác định là các địa bàn trọng điểm của tỉnh.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, việc hình thành và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút số lượng lớn người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người dân ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến số lượng công nhân đã dẫn đến tình hình an ninh, trật tự tại các KCN diễn biến phức tạp, với sự có mặt của hầu hết các loại tội phạm, tập trung nhiều đối tượng hình sự, băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức… trong đó có tín dụng “đen”, cho vay nặng lãi, gây ảnh hưởng và tác động xấu đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.

Dù vậy, hiện nay cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là công nhân rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng (vì nhiều yêu cầu phức tạp và duyệt hồ sơ chặt chẽ, mất nhiều thời gian và tỷ lệ hồ sơ được duyệt thấp).

Từ đó, trong những lúc cấp bách, họ mới phải “nhắm mắt” đi vay nặng lãi vì thủ tục vay rất đơn giản, có tiền ngay trong ngày để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt, nhưng cũng vì thế rất nhiều nguy cơ trở thành một con nợ “sống dở chết dở”.

Cơ quan Công an thu giữ nhiều tài liệu liên quan cho vay lãi nặng.

Do đó, bên cạnh việc ngăn chặn, xử lý pháp luật hoạt động cho vay nặng lãi, rất cần có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phát triển để thu hẹp thị trường tín dụng “đen” lãi suất cao. Đồng thời, cần rà soát lại các chính sách và quy trình vay tín dụng tiêu dùng, làm sao tạo thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận được nguồn vốn này.

Về phía các đoàn thể, chính quyền địa phương, theo ông Ninh Xuân Hiên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Dĩ An, hiện nhiều công đoàn cơ sở đã có những cách làm giúp công nhân có nguồn vốn vay lãi suất thấp mà không phải vay nặng lãi bên ngoài. Và công nhân gặp khó khăn về tài chính có thể tìm đến tổ chức công đoàn để nhờ hỗ trợ.

Còn trong những tình huống cấp bách về tiền bạc, để giúp những công nhân trong lúc túng quẫn, một số ngân hàng, công ty tài chính phối hợp với các công đoàn đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất thấp hay ứng vốn giúp họ qua cơn ngặt nghèo. Các chương trình, dự án cho vay của nhiều tổ chức công đoàn đã giúp nhiều công nhân tránh sa vào bẫy tín dụng “đen”.

Có thể nói, nạn cho vay nặng lãi lợi dụng sự khó khăn, túng quẫn của nhiều công nhân trên địa bàn đã ít nhiều gây nên những hệ lụy về mặt an ninh trật tự, an toàn xã hội, đòi hỏi các ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục vào cuộc rốt ráo để phòng ngừa, xử lý, góp phần kéo giảm tỷ lệ tội phạm hình sự.

Phú Lữ

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/chuyen-tinh-tien-tu-toi/nhieu-he-luy-tu-nan-cho-cong-nhan-vay-nang-lai-511413/