Nhiều hệ lụy cho trẻ em gái từ việc thiếu kiến và quản lý vệ sinh kinh nguyệt

Tại Việt Nam trên 30% thanh thiếu niên thiếu khả năng tiếp cận các thông tin cần thiết về vệ sinh kinh nguyệt, sức khỏe sinh sản. Điều này có thể gây ra những rủi ro sức khỏe thể chất… cho trẻ em gái.

Nhân Ngày Vệ sinh kinh nguyệt thế giới 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Đông Tây hội ngộ, UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin, sáng kiến và kế hoạch hành động thúc đẩy quản lý vệ sinh kinh nguyệt tại Việt Nam với chủ đề "Biến điều khó nói thành điều bình thường" ngày 27/5. Đây là một trong chuỗi hoạt động truyền thông và vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, các cấp quản lý Nhà nước có liên quan về việc bảo đảm vệ sinh kinh nguyệt cho phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, biến điều cấm kỵ và kì thị về "kinh nguyệt" không còn tồn tại trong xã hội vào năm 2030.

Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Hiền Minh – Đại diện UNICEF cho biết, hầu hết trẻ em gái đều gặp phải cảm giác sợ hãi, lo lắng… khi đến kì kinh nguyệt đầu tiên. Vệ sinh kinh nguyệt kém có thể gây ra những rủi ro sức khỏe thể chất và có liên quan đến nhiễm khuẩn đường sinh sản và đường tiết niệu, gây vô sinh thứ phát...

Theo bà Minh, việc thúc đẩy hành động quản lý vệ sinh kinh nguyệt cần phải đặt ra. Bởi hiện nay, nhiều bé gái không có sự hiểu biết đầy đủ, chính xác về kinh nguyệt là một quá trình sinh học bình thường. Việc không được tiếp cận sản phẩm vệ sinh đặc biệt là trong thời gian khẩn cấp – thiên tai và xung đột dẫn tới nhiều hệ. Trên toàn cầu, 2,3 tỷ người thiếu các dịch vụ vệ sinh cơ bản và ở các nước kém phát triển nhất chỉ có 27 % dân số có điểm rửa tay với nước và xà phòng tại nhà. Khoảng một nửa số trường học ở các nước thu nhập thấp thiếu nước uống đầy đủ, vệ sinh và vệ sinh cá nhân cho học sinh gái và giáo viên nữ cho chu kỳ. Với những trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật và nhu cầu đặc biệt phải đối mặt với nhiều thách thức hơn vệ sinh kinh nguyệt và bị ảnh hưởng do thiếu tiếp cận với nhà vệ sinh, nước sạch, sản phẩm vệ sinh.

Các chuyên gia tham gia hội thảo

Các chuyên gia tham gia hội thảo

Bà Trần Thị Thúy Hà, Giám đốc Chương trình EMW cũng nhấn mạnh, tại Việt Nam trên 30% thanh thiếu niên thiếu khả năng tiếp cận các thông tin cần thiết về vệ sinh kinh nguyệt, sức khỏe sinh sản. Theo khảo sát mới đây nhất về thực trạng thực hành quản lý vệ sinh kinh nguyệt của học sinh nữ tại một số trường học tại Hà Nội và Quảng Bình với 494 học sinh cho thấy, 19,8% có biểu hiện viêm, trong đó bao gồm các triệu chứng ngứa, ra dịch có mùi, dịch có màu bất thường; sưng âm hộ, bị loét. Một số từng có hai triệu chứng trở lên nhưng hầu hết bỏ qua và ít chia sẻ, kể cả với người trong gia đình.

Thông qua dự án "Tự tin là chính mình" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dưới sự tài trợ của Plan cho thấy, 37,6% học sinh nữ thiếu kiến thức và trên 40% chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề vệ sinh kinh nguyệt. Tỷ lệ thực hành vệ sinh kinh nguyệt ở mức trung bình và kém lên tới 80%.

Theo các chuyên gia, việc vệ sinh kinh nguyệt không đúng cách sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy đáng buồn như nhiễm khuẩn đường sinh sản, vô sinh thứ phát… Sự kỳ thị với trẻ em gái khi đến ngày "đèn đỏ" không được tiếp cận đầy đủ các điều kiện vệ sinh kinh nguyệt ảnh hưởng đến việc tiếp cận giáo dục, sức khỏe và địa vị xã hội của phụ nữ và trẻ em gái. Đây là một trong những yếu tố cản trở hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái phát huy hết tiềm năng của mình.

Thực tế trẻ em gái vị thành niên hiện vẫn đối mặt với nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, bị lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm trùng cơ quan sinh sản. Ước tính tỷ lệ nhiễm trùng cơ quan sinh sản là trên 50% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản 15 – 49 tuổi. Ngoài ra, việc trẻ em trai thiếu kiến thức về SKSS nên chưa hiểu và chia chia sẻ những khó khăn mà các em gái gặp phải trong kỳ kinh nguyệt, góp phần vào những quan niệm sai lầm, những điều cấm kỵ, kì thị hoặc có thái độ cư xử chưa đúng khiến trẻ em gái xấu hổ, mất tự tin…

Đa phần trẻ khi tới kì kinh nguyệt đầu tiên đều có tâm trạng sợ hãi, lo lắng...Ảnh minh họa

Nhằm quản lý vệ sinh kinh nguyệt tại Việt Nam, các chuyên gia nhấn mạnh trong thời gian tới cần phải phải đa dạng truyền thông, đẩy mạnh sự hợp tác đa ngành. Cần quan tâm trong quản lý vệ sinh kinh nguyệt của trẻ em gái tại trường học và vai trò của người giáo viên.

Ngoài ra, để quản lý vệ sinh kinh nguyệt tốt cho học sinh nữ, nhà vệ sinh cần quan tâm xây dựng, cải tạo đầu tiên, phải có vòi nước, nước sạch, thùng rác và xà bông rửa ray. Nhà vệ sinh cần kín đáo, nhiều ngăn, có ngăn đi vệ sinh riêng… có như vậy các em vệ sinh nữ mới dám ra nhà vệ sinh mỗi ngày. Cha mẹ cũng cần quan tâm, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng tuổi dạy thì, về quản lý vệ sinh kinh nguyệt với các em. Đặc biệt ở những gia đình không có người mẹ, người bà, người chị thì người cha giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục giới tính cũng như chăm sóc sức khỏe của con gái.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nhieu-he-luy-cho-tre-em-gai-tu-viec-thieu-kien-va-quan-ly-ve-sinh-kinh-nguyet-172220527163609047.htm