Nhiều hàng hóa Trung Quốc được 'phù phép' thành hàng Việt

Khóa Việt Tiệp, loa, ván ép… đều nhập từ Trung Quốc nhưng giả xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước khác nhằm hưởng ưu đãi thuế quan và lừa dối người tiêu dùng trong nước. Đây cũng là nội dung chính được Tổng cục Hải quan tập trung thảo luận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành hải quan diễn ra chiều 15-7.

Báo cáo về tình hình gian lận xuất xứ hàng Việt, ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho hay, qua điều tra, cơ quan này đã khoanh vùng 6 doanh nghiệp lớn có kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc tăng đột biến.

Trong đó, mặt hàng chính được nhập là ván ép. Có doanh nghiệp đã nhập trong năm qua tới 200 tỉ đồng. Và mặt hàng này xuất đi Mỹ tăng bất thường.

“Qua điều tra, chúng tôi đã xác định sai phạm của các doanh nghiệp này gồm sử dụng hợp đồng mua bán nguyên liệu ký khống; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong hồ sơ giả để chứng minh nguyên liệu được sản xuất ở VN,…

Việc ký kết các hợp đồng khống mua nguyên liệu gỗ keo, hợp đồng từ các hộ dân với mục đích xin C/O để xuất đi nước ngoài.” - ông Hùng cho biết.

Theo thống kê Hải quan, kết thúc năm 2018, trị giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 47,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019, trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 22,72 tỷ USD, tăng cao tới 29% so với năm 2018. Trong đó, tăng mạnh nhất là các nhóm hàng đện thoại các loại và linh kiện đạt 3,77 tỷ USD, tăng 92%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,79 tỷ USD, tăng 72%; máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 1,69 tỷ USD, tăng 54%; gỗ & sản phẩm gỗ đạt 1,84 tỷ USD, tăng 35%...dự báo xu hướng xuất khẩu vào thị trường này còn tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cao dễ dẫn đến nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nếu phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ.

Hải quan Hải phòng phát hiện vụ gian lận về xuất xứ đối với lô hàng giầy thể thao mang nhãn hiệu TOPPER

Hải quan Hải phòng phát hiện vụ gian lận về xuất xứ đối với lô hàng giầy thể thao mang nhãn hiệu TOPPER

Ngoài ra, cũng theo ông Hùng, trong thời gian qua, Cục điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan một số tỉnh, thành phố đã phát hiện và xử lý một số vụ việc gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa mang xuất xứ Việt Nam.

Đơn cử, công ty Hiếu Nghĩa (Lạng Sơn) cũng đã nhập hàng nghìn sản phẩm từ Trung Quốc nhưng ghi rõ sản xuất ở Việt Nam. Một công ty nhập khẩu khóa Việt - Tiệp – một nhãn hiệu nổi tiếng của chúng ta nhưng lại nhập khẩu nguyên vẹn chiếc khóa này từ Trung Quốc và ghi luôn là sản xuất tại Việt Nam. Hay tem bảo hộ của Bảo Minh đối với sản phẩm phòng chống cháy nổ cũng được sản xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc ghi sản xuất tại Việt Nam.

Và Cục điều tra chống buôn lậu cũng phát hiện công ty Nhật Vượng ở TP HCM nhập khẩu hàng tỉ đồng mặt hàng loa và âm ly mang một nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ bản quyền tại Việt Nam. Qua điều tra, cơ quan hải quan phát hiện trên nhãn hàng nhập khẩu ghi sản xuất tại Trung Quốc.

Tới đây, theo ông Hùng, Tổng cục Hải quan sẽ điều tra thêm sai phạm của 6 doanh nghiệp này để làm rõ, xử lý các hành vi vi phạm về gian lận C/O. Ngoài việc xuất hàng hóa đi nước ngoài lợi dụng C/O Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế, các doanh nghiệp trên còn gian lận để hoàn thuế giá trị gia tăng với số lượng rất lớn. Thực tế, có doanh nghiệp đã được hoàn thuế 34 tỉ đồng.

Qua các vụ việc nêu trên, ông Hùng nhận định công tác quản lý của các bộ ngành liên quan đến cấp C/O còn nhiều bất cập và sơ hở. Để khắc phục tình trạng này, đối với cơ quan hải quan cần sửa đổi lại quy trình nghiệp vụ hải quan đảm bảo chặt chẽ từ khâu mở hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ cho đến kiểm tra hàng hóa thông quan và kiểm tra sau thông quan.

ngành hải quan sẽ giám sát quản lý chặt hoạt động xuất nhập khẩu đối với mặt hàng sắt thép, nông thủy sản

Trước thực trạng những vụ việc gian lận thương mại diễn biến phức tạp, kết luận hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng việc chúng ta được hưởng ưu đãi thuế quan qua tham gia một loạt các hiệp định thương mại vừa là cơ hội, song cũng là thách thức.

Do đó, trong 6 tháng cuối năm, ngành hải quan phải tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải đảm bảo ngăn chặn được gian lận thương mại.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/nhieu-hang-hoa-trung-quoc-duoc-phu-phep-thanh-hang-viet-553455/